Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người

Thứ Ba, 22/10/2024, 14:39

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra từ ngày 21/10/2024 đến ngày 30/11/2024 sẽ xem xét thông qua dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì xây dựng.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân; tương trợ tư pháp.

Theo đó, tại Chương VI, dự thảo Luật quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, cụ thể:

Điều 58. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người
Nhà nước Việt Nam thực hiện điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người và điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi; hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống mua bán người.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người -0
Một buổi diễu hành kêu gọi người dân hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người. 

Điều 59. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người
1. Trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác về phòng, chống mua bán người với cơ quan có liên quan của các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo về phòng, chống mua bán người.

2. Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của nước ngoài để giải quyết vụ việc về mua bán người thực hiện theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc hợp tác quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Điều 60. Hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân
1. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan hữu quan của nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bị mua bán.
2. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc hồi hương nạn nhân là người nước ngoài trở về nước mà người đó có quốc tịch hoặc có nơi thường trú cuối cùng; áp dụng các biện pháp để việc hồi hương nạn nhân được tiến hành theo đúng pháp luật và thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân.

Điều 61. Tương trợ tư pháp

Quan hệ tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước có liên quan được thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó cùng là thành viên hoặc trên nguyên tắc có đi có lại phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong hoạt động phòng, chống mua bán người.”

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương này giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 2 điều (Điều 58, Điều 59) về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người và thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.

Nguyễn Hương
.
.
.