Hệ lụy từ tăng dân số thực tế ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 24/08/2022, 08:21

Trong nhiều năm qua, quy mô dân số thực tế của TP Hồ Chí Minh và dân số theo số liệu thống kê chính thức luôn là vấn đề tranh luận giữa các chuyên gia với cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, dân số TP Hồ Chí Minh chỉ là 8,96 triệu người nhưng theo Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, dân số thành phố năm 2020 đã vào khoảng 9,2 triệu người. Tuy vậy, theo số liệu của Công an thành phố, dân số tại thành phố đã đạt gần 13 triệu người, bao gồm cả gần 3 triệu người nhập cư. Như vậy so với Quyết định số 24/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ “Dự báo dân số TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đạt khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng khoảng 2,5 triệu người” thì trên thực tế, TP Hồ Chí Minh đã đạt quy mô dân số này vào năm 2020.

qua tai.jpg -0
Dân số tăng nhanh gây quá tải cho hệ thống giao thông.

Dân số thực tế tăng nhanh, mức độ tăng dân số của TP Hồ Chí Minh bình quân khoảng 1 triệu người mỗi 5 năm đã kéo theo vấn đề đô thị hóa nhanh, quy hoạch phát triển đô thị không theo kịp, hàng trăm đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của thành phố phải điều chỉnh lại.

Trước thực trạng này, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm nhìn nhận, hiện nay sẽ khó kết nối hạ tầng, đặc biệt là kết nối hệ thống giao thông có sức chở lớn, để giảm ùn tắc giao thông bởi ngân sách không thể có đủ nguồn lực tài chính để đầu tư. Còn nếu cứ phát triển theo kiểu “vết dầu loang” và thấp tầng như hiện nay cũng như khó thực hiện hiệu quả công tác tái bố trí dân cư của thành phố.

Thông tin trước HĐND thành phố tại kỳ họp vào tháng 7 vừa qua, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học mới này tổng số lượng học sinh các cấp của thành phố lên đến 1,7 triệu em, tiếp tục tăng 21.800 em so với năm học trước. Tình trạng tăng số lượng học sinh hàng năm do tăng dân số cơ học nhanh như vậy khiến cơ sở vật chất phục vụ dạy và học không thể theo kịp. Càng khó khăn hơn nữa là ngay cả những phường, xã trên 100 nghìn dân cũng chỉ có 1 trường tiểu học, 1 trường THCS.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, là đô thị đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, thành phố cũng là nơi đóng góp cho ngân sách cao nhất cả nước nên khối lượng hồ sơ, công việc cần giải quyết cho người dân, doanh nghiệp tại thành phố rất lớn, áp lực công việc đối với cán bộ, công chức rất cao.

Báo cáo với Chính phủ về những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội và Nghị định 33/2021 của Chính phủ về vấn đề tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố vào ngày 18/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi cho biết, tính đến cuối năm 2021, thành phố có 90/249 phường có dân số từ 30.000 dân trở lên.

Trong đó có 54 phường có dân số từ 30.000 dân đến dưới 50.000 dân, 21 phường có dân số từ 50.000 dân đến dưới 75.000 dân, 12 phường có dân số từ 75.000 dân đến dưới 100.000 dân. Đặc biệt tại thành phố còn có 3 phường có dân số trên 100.000 dân là Hiệp Bình Chánh - TP Thủ Đức, Hiệp Thành - quận 12 và Bình Hưng Hòa A – quận Bình Tân.

Theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đơn vị hành chính, dân số của phường thuộc quận là từ 15.000 dân trở lên thì bình quân dân số một phường của TP Hồ Chí Minh đang là 28.378 dân, gấp 1,89 lần so với quy định. Trong khi đó,  việc bố trí số lượng công chức bình quân chỉ là 15 người/phường nên không đủ để đáp ứng nhu cầu giải quyết khối lượng công việc. Nhất là khi một cán bộ, công chức làm việc tại phường đang phải phục vụ bình quân 1.343 người dân.

Từ thực tế trên, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng số lượng công chức làm việc tại phường lên 17 người đối với những phường có từ 30.000 dân trở xuống. Với những phường trên 30.000 dân, cứ tăng 15.000 người sẽ được bổ sung 1 biên chế.

Đ.Thắng
.
.
.