Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh
Gần đây, tại Bạc Liêu xuất hiện nhiều trang thông tin trên mạng xã hội (MXH) có dấu hiệu “báo hóa”. Đây là thực trạng đáng quan ngại, không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan báo chí chính thống mà còn tiềm ẩn nguy cơ tán phát các nguồn tin giả, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.
Trên các ứng dụng MXH như Facebook, Zalo… xuất hiện ngày càng nhiều trang thông tin sao chép nội dung từ nguồn báo chí chính thống. Đa phần các trang này do một số cá nhân lập ra, nhưng rất nhiều người khi tham gia MXH vẫn lầm tưởng đây là các trang báo điện tử nên chia sẻ lại một cách tràn lan, dẫn đến thực trạng người dân không biết đâu là thật, đâu là giả…
Trước tình trạng “báo hóa” MXH như hiện nay, Công an tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trang thông tin, tài khoản MXH của tổ chức, cá nhân, đăng tải, chia sẻ các nội dung xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xúc phạm uy tín của người khác.
Đại úy Nguyễn Văn Phường, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an tỉnh đã đấu tranh, làm rõ 48 tài khoản MXH đăng tải nội dung sai sự thật. Qua đó ra quyết định xử phạt hành chính 3 trường hợp với tổng số tiền 17.500.000 đồng. Các trường hợp còn lại buộc cam kết không tái phạm”.
Điều đáng nói, khi tiến hành làm việc với các trường hợp đăng tin sai sự thật trên MXH, đa phần đều không biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mà chỉ nghĩ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý từ mọi người nhằm có nhiều view, nhiều like hoặc có một số trường hợp do nắm bắt thông tin không đầy đủ, không kịp thời, thiếu kiểm chứng từ các trang thông tin “báo hóa” trên MXH rồi vô tư đăng lên Facebook, Zalo cá nhân mà không hề nghĩ hậu quả gây ra trong cộng đồng.
Để có thể triệt để ngăn chặn “báo hóa” MXH, Công an tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, không chính thống, sai sự thật làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong nhân dân.
“Khi tiếp nhận thông tin trên các trang MXH cần có sự chọn lọc, chỉ tiếp thu thông tin từ báo, đài chính thống và các trang thông tin do cơ quan nhà nước quản lý. Đồng thời, trang bị cho mình kiến thức về pháp luật và khả năng tự kiểm chứng, tự sàng lọc thông tin. Đó chính là “liều vaccine” hữu hiệu nhất để tăng “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật và có ứng xử phù hợp trên không gian mạng”, Đại úy Nguyễn Văn Phường cho biết thêm.