Hàng quán “vây” trước cổng trường, cẩn trọng ngộ độc thực phẩm

Thứ Ba, 02/05/2023, 08:25

8 học sinh Trường Tiểu học Tân Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chia nhau ăn gói kẹo mua ở cổng trường, 1 giờ sau đều bị ngộ độc với biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau bụng vừa xảy ra vào ngày 27/4. Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong trước cổng trường, đặc biệt là những chai nước, bánh kẹo “lạ”.

Đây không phải là vụ ngộ độc tập thể đầu tiên từ hàng quán bán rong trước cổng trường học, mà trước đó đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra. Mặc dù đang trong Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng tại cổng nhiều trường từ Tiểu học đến THPT ở Hà Nội, hàng quán bán rong vẫn rất phổ biến.

Thực phẩm “bẩn” tiếp cận học sinh

Vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học Tân Thành (Bình Phước) vào sáng 27/4, khi có 18 học sinh lớp 4 chia nhau ăn gói kẹo do một học sinh mua ở cổng trường. 1 giờ  sau ăn, có 8 em trong nhóm học sinh kể trên nghi bị ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau bụng. Các học sinh này được đưa đến Trung tâm Y tế TP Đồng Xoài cấp cứu.

Tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đồng Xoài có văn bản hoả tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra vụ việc, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu ngành giáo dục tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh không mua đồ ăn, thức uống không rõ xuất xứ, nhất là tại hàng quán và từ người bán hàng rong ở xung quanh trường để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của học sinh.

1.jpg -0
Thực phẩm bày bán trước cổng Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội).

Trước đó, vào sáng 20/4, 16 học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Quế Hiệp (Quảng Nam) bị ngộ độc thực phẩm, nghi do ăn kem ống được bán trước cổng trường. Sau ăn kem ít phút, các em có biểu hiện mệt mỏi, nôn mửa và được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn cấp cứu. Tương tự, nhiều vụ việc trước đó đã từng xảy ra như 10 học sinh ở Tây Ninh bị ngộ độc do ăn thức ăn bán trước cổng trường…

Dạo một vòng quanh một số trường từ Tiểu học đến THPT ở Hà Nội, chúng tôi ghi nhận vào cuối buổi học, hàng quán bắt đầu “vây” trước cổng trường. Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) vào buổi chiều tan học, hàng quán rong chiếm giữ một phía vỉa hè. Học sinh ùa ra, rất nhiều cháu đã sà vào các hàng quán này để mua đồ ăn, nước uống. Nhưng xiên xúc xích rán, nhiều loại nước uống “lạ” mắt với màu sặc sỡ. Đặc biệt, có những túi thịt bò khô, mực khô tẩm ướp chỉ ghi chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc được bán cho trẻ. Đặc biệt, các hàng quán này khá đắt khách, có thể do các cháu sau buổi học đã đói, nên mua đồ ăn rong mà không biết đến nó có nguồn gốc xuất xứ, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Tại cổng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) nhiều hàng quán mọc lên vào giờ sáng sớm và giờ tan học để phục vụ các thực khách “nhí”. “Có lần tôi thấy trong cặp sách của con những túi mì tẩm ướp nhiều loại gia vị rất hắc, toàn chữ nước ngoài, con bảo bạn mua ở cổng trường cho, giá có 5 nghìn đồng/gói. Tôi không cho con ăn, nhưng lúc ở trường con có sử dụng hay không thì không biết”, chị Phạm Thị Loan, phụ huynh một học sinh Tiểu học ở trường này cho biết.

Theo chị Loan, cô giáo chủ nhiệm cũng đã cảnh báo trong cuộc họp phụ huynh về tình trạng hàng rong ở cổng trường mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị cha mẹ không cho con tiền mang đến lớp, con rất dễ mua những thực phẩm này để sử dụng. Theo cô giáo, có lần phát hiện học sinh ăn đồ vặt trong lớp, cô giáo hỏi thì con nói mua ở cổng trường, là mực khô, giá rất rẻ chỉ 5-7 nghìn đồng/gói. Cô mang “mực khô” đó ngâm vào trong bát nước, chỉ vài phút sau, miếng mực đó tan mủn như cháo. Vì vậy, cô giáo rất lo ngại các con ăn phải thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc, gây ngộ độc và nguy hiểm cho sức khoẻ.

Khi chúng tôi tới Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình), bắt gặp ở gần đó, trên phố Núi Trúc có rất nhiều hàng ăn rong để trên những chiếc xe đạp, bán các loại xiên nướng như: Mực, chả cá, sushi, xiên que, nem chua, xúc xích… Từng tốp học sinh bu quanh những chiếc xe xiên nướng này, ăn uống ngay vỉa hè. Điều đặc biệt là những thức ăn này không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cảnh giác với các loại nước uống, thực phẩm lạ

Thời gian vừa qua, đã có nhiều vụ việc kẻ xấu lợi dụng tẩm các chất ma tuý  vào thực phẩm, nước uống như: Cần sa tẩm vào bỏng ngô; bánh ngọt tẩm cần sa Lazy Cakes; gói bột pha nước giải khát có mùi thơm kích thích và chứ ma tuý, gọi là nước xoài, nước vui, dâu, đông trùng; chocolate nhãn hiệu Chill Max …

Vào tháng 12/2022, Công an tỉnh Thanh Hoá đã cảnh báo bánh Lazy Cakes (còn gọi là bánh lười) du nhập vào Việt Nam và gần đây được đẩy mạnh mua bán nhằm che giấu cơ quan chức năng. Đặc biệt, loại bánh này lại thu hút giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên. Bánh được làm từ dung dịch cần sa trộn với bột mì, trái cây khô, chocolate, giá từ 200-300 nghìn đồng một bánh. Thực chất đây là một loại ma tuý len lỏi trong thị trường, có thể gây nghiện mà người dùng không biết. Cần sa ngấm nhanh vào máu khiến người sử dụng hưng phấn, hoang tưởng, đồng thời gây suy hô hấp tạm thời và khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Trong một buổi làm việc mới đây của phóng viên Báo CAND với bà Trương Thị Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được biết, cách đây chưa lâu, sau khi tan học, một nhóm học sinh vừa ra cổng trường được 2 thanh niên cho mấy chai nước bên trong chứa chất “lầy nhầy”. Do được tuyên truyền tốt từ trước đó, các học sinh này rất cảnh giác, đã không sử dụng và báo cáo ngay với bảo vệ cùng giám thị nhà trường.

“Nhà trường phối hợp với UBND phường thành lập tổ liên ngành để quản lý học sinh. Công an phường và tổ dân phòng thường xuyên trực để hỗ trợ giúp nhà trường, khi phát hiện đối tượng lạ, hoặc có bất cứ vấn đề gì về ANTT là xử lý ngay. Nhà trường cũng yêu cầu bảo vệ giám sát toàn vòng ngoài, trước và trong sau giờ học, có hiện tượng hàng quán bên ngoài mọc thêm đều báo cáo thường xuyên. Đồng thời, tuyên truyền cho các học sinh về vấn đề an toàn thực phẩm, không mua và sử dụng thực phẩm hàng rong ngoài cổng trường”, bà Liên cho biết.

Theo Công an quận Hà Đông, gần đây trên địa bàn xuất hiện một nhóm thanh niên (thường xuyên thay đổi nhau) trước cổng một số trường học, xách túi bóng, bên trong chứa các chai trà sữa, bán với giá 12-13 nghìn đồng/chai, đã thông báo cho Ban Giám hiệu các trường trên địa bàn để tuyên truyền về các lớp, các hội nhóm phụ huynh để các em học sinh đề cao cảnh giác, không mua và sử dụng những thứ nước uống “lạ”. Giáo dục kỹ năng cho học sinh, làm tốt công tác phòng ngừa, để các em không ăn, uống phải thức ăn lạ, mất an toàn thực phẩm, cũng như nguy hại đến sức khoẻ.

Bùi Minh
.
.
.