Hàng loạt cây xanh đổ ở Hà Nội: Quy trình trồng cây liệu có phải nguyên nhân?

Thứ Ba, 10/09/2024, 07:55

Hàng chục nghìn cây xanh gãy, đổ khi siêu bão Yagi (cơn bão số 3) quét qua Hà Nội. Trong đó không chỉ có những cây nhỏ mới trồng mà còn có nhiều cây cổ thụ, cây quý. Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội), ước tính, có khoảng 1.200 cây xanh trong số các cây bị gãy đổ do bão có giá trị và đường kính dưới 25cm có thể chăm sóc để phục hồi. Số lượng lớn cây xanh gãy đổ do yếu tố mưa bão bất khả kháng là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, liệu có còn những nguyên nhân khác là vấn đề không ít người băn khoăn khi hình ảnh những cây mới trồng bị bật gốc vẫn còn nguyên những tấm nilong bọc bầu, những hố trồng nông choẹt…

Quy trình trồng cây có vấn đề?

Cây xanh gãy đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại. Các cây gẫy đổ cũng lộ ra nhiều gốc cây còn nguyên bầu bọc rễ, trồng khá nông trên các hố trồng cây. Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có hay không việc trồng cây cẩu thả, sai kỹ thuật khiến cây xanh đổ hàng loạt. Đơn cử như trường hợp hàng loạt cây trồng chưa lâu trước cửa toà nhà Golden Park tọa lạc ở ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Phạm Văn Bạch đã đổ rạp. Khoảng 15 cây xanh cao khoảng 5 đến 7 mét trước cửa tòa nhà bị quật ngã sạch. Bứng gốc khoảng 0,6 đến 0,8m, độ sâu khoảng 0,6 đến 0,7 mét, có bầu đất vẫn còn nylon...

Hàng loạt cây xanh đổ ở Hà Nội: Quy trình trồng cây liệu có phải nguyên nhân? -0
Hàng loạt cây mới trồng bị quật ngã đã tạo ra những dư luận trái chiều về nguyên nhân từ quy trình trồng cây chưa đúng kỹ thuật.

Nói về việc cây đổ còn nguyên bọc bầu đất, lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội khẳng định, về kỹ thuật trồng cây nguyên bầu là đúng. Theo vị này, tại tất cả các dự án có cây xanh thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là "đúng kỹ thuật". Đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc là điều không thể tránh khỏi.

Chi tiết hơn về vấn đề này, vị chuyên gia cho biết, bầu cây tại các nhà vườn thường dùng lưới xanh, lấy dây thít chặt lại để giữ bầu. Khi vận chuyển đến vị trí trồng phải trồng nguyên cả bầu xuống, thời gian khoảng 1 năm, rễ cây sẽ đâm xiên ra đứt bầu và tự bám vào đất để sống. "Phải có thời gian ra rễ chùm, rễ tôm bám sang đất thì cây mới sống được. Đây là phát triển phù hợp của cây trồng. Thêm nữa, mỗi dự án trồng cây đều yêu cầu đơn vị trồng bảo hành 1 đổi 1 cây chết trong vòng 24 tháng nên họ cũng phải đảm bảo cây sinh trưởng để nghiệm thu", vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội cũng từng giải thích về hiện tượng cây mới trồng còn để nguyên bao bố và dây nhợ khi lấp đất trồng. Theo đó, về lý thuyết cây mới trồng cần có lưới bao để tránh vỡ bầu đất và lưới này sẽ tự hủy, tuy nhiên không loại trừ có trường hợp khả năng công nhân không làm đúng, sử dụng chất liệu lưới sai quy định.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học, việc đánh giá cây đổ do quy trình trồng cây có vấn đề là không có cơ sở. Việc phải đối mặt với cơn siêu bão đã khiến không chỉ những cây mới trồng mà còn có cả những cây đã trồng nhiều năm, cây cổ thụ. “Trước đây, cũng có lúc việc trồng, chăm sóc cây xanh đúng là có vấn đề nhưng hiện nay thì tôi cho rằng Hà Nội làm khá nghiêm túc. Tôi ở Hà Nội đã 69 năm rồi, chưa có cơn bão nào tàn phá nặng nề thế này. Những cây tốt như cây sấu, xà cừ chẳng hạn, đã trồng nhiều năm còn đổ, chứ những loại như lim xẹt thì chưa bàn. Trong khi đó những cây như cây bàng Đài Loan chẳng hạn có mấy cây đổ đâu. Do đó, vấn đề hiện nay là thống kê những loại cây dễ đổ để bàn tính xem việc sẽ đưa cây gì vào trồng để chống chọi lại được với thiên tai. Hệ thống cây xanh của Hà Nội sau đợt này cần phải tính toán những cây gì tốt thì nên giữ, những loại không tốt thì nên thay thế. Việc dư luận hiện nay cho rằng cây đổ là do trồng không tốt, quy trình trồng chưa đúng là không hợp lý”, GS.TS Nguyễn Lân Hùng nói.

Cần thống nhất trong việc quản lý

Theo PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) thì hệ thống cây xanh bóng mát đường phố Hà Nội đa dạng về thành phần, nhiều nhất là các loài như: xà cừ, bằng lăng, lim xẹt… và đã chứng minh được sự thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở Hà Nội hiện phải chịu nhiều áp lực do phát triển đô thị, hạ ngầm các công trình, nên diện tích đất dành cho trồng cây bị thu hẹp. Rễ cây không thể cắm sâu mà chỉ cắm ngang vào đất.

Khi phát triển ngang, rễ cây cũng bị chặt đứt trong quá trình cải tạo, chỉnh trang vỉa hè. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi có tác động lớn từ thiên nhiên. Cùng với đó, PGS.TS Đặng Văn Hà, không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị hiện nay cũng còn lúng túng trong việc lựa chọn đưa chủng loại cây nào vào trồng, loại cây nào nên sử dụng trồng ở đường phố, loại nào trồng trong công viên.

“Hiện phần lớn là làm theo kinh nghiệm. Cách quản lý cũng chưa thống nhất, nơi thì giao cho Sở Xây dựng quản lý, nơi thì giao cho chính quyền sở tại. Thông thường, khi thi công đường, sau khi hoàn thành dự án, họ đào 1 cái hố nhỏ để trồng cây. Vài năm đầu cây sống bình thường, nhưng 5-10 năm sau đó lại xuất hiện nhiều vấn đề bởi chất lượng cây và kỹ thuật trồng chưa được đảm bảo. Do đó, khi gặp hiện tượng thời tiết bất thường thì khả năng bị rủi ro là rất lớn nếu không quản lý một cách tổng thể”, PGS.TS Đặng Văn Hà nói.

Về thiết kế trồng cây hiện nay, PGS.TS Đặng Văn Hà cho rằng, cần có sự quản lý thống nhất, đặc biệt ở các sở Xây dựng được giao quản lý về cây xanh thì phải có những đơn vị chuyên môn và có đủ lực lượng cán bộ chuyên trách, được đào tạo và có chuyên môn sâu về cây xanh. Tại các địa phương đang thiếu điều này vì lực lượng quản lý chưa có chuyên môn sâu. Cùng với đó, công tác dự báo, dự đoán đối với rủi ro cây xanh đô thị vẫn còn rất yếu.

Về kỹ thuật trồng cây ở đường phố đô thị, PGS.TS Đặng Văn Hà cũng cho rằng, cách trồng cây đô thị tại Việt Nam hiện đang có nhiều vấn đề. Thứ nhất, cây đưa vào trồng trong đô thị đặc biệt là ở các tuyến phố là cây giống chưa được ươm, trồng đúng cách. Ở các nước phát triển, một cái cây trước khi trồng trong đô thị thì phải nuôi dưỡng, ươm tạo trong các vườn ươm từ 8-10 năm, khi đạt tiêu chuẩn cây trồng đô thị thì mới đưa vào trồng. Còn tại Việt Nam, khi có dự án trồng cây, doanh nghiệp vào đấu thầu sau đó đến các vùng nông thôn, vùng rừng núi mua cây rồi mang đi trồng ngay. Vậy nên, quá trình sinh trưởng của những cây trồng này phần lớn không đạt chất lượng.

Phan Hoạt
.
.
.