Hà Nội yêu cầu thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở
UBND TP Hà Nội yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa. Tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép.
Chủ động thực hiện phong toả khu vực cấp phường, xã
Tối 1/8, UBND TP Hà Nội đã ban hành công điện số17/CĐ-UBND, yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động đánh giá lại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn, đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
Đồng thời, phê duyệt phương án phòng chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn; chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực: khu dân cư, tổ dân phố, cấp phường, xã, thị trấn để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Đặc biệt, UBND TP đề nghị ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách như truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất; sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác; tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch… Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Lãnh đạo TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và TP, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo thực hiện đúng quy định về giãn cách và số lượng người đi làm tại công sở. Triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”.
Công điện cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị số 17 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn, phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế; cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, phong tỏa.
Tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn TP trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình; chịu trách nhiệm tổ chức công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng; đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong tiếp cận vaccine...
Thí điểm 1.000 giường điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ
Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan rà soát kỹ; tham mưu phương án điều trị tổng thể 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19, báo cáo UBND TP trước ngày 5/8; chủ trì, phối hợp các Sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện Phương án triển khai thí điểm 1.000 giường điều trị bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại Khu Chung cư Đền lừ 3 để kích hoạt đưa vào hoạt động từ 2/8.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (gồm các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện ngoài công lập) đều phải thực hiện xây dựng phương án hoạt động bệnh viện an toàn và trình UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt để tổ chức hoạt động; thực hiện phương án “4 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - sinh hoạt, nghỉ ngơi tại chỗ - điều trị tại chỗ) và tổ chức chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế tối đa người chăm sóc người bệnh tại bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện.
Sở Công thương chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phòng chống dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, theo dõi kịp thời tình hình giá cả hàng hóa, ổn định giá đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; hướng dẫn, thống nhất chung về quy trình, mẫu đi mua hàng cho người dân.
Sở Giao thông vận tải tạo điều kiện cao nhất để lưu thông hàng hóa bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, vận chuyển.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chăm lo sức khỏe và đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an TP xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh.