Hà Nội: Tập trung ứng trực 100% nhân lực, thiết bị phục vụ phòng, chống bão

Thứ Bảy, 07/09/2024, 14:53

Để chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra úng ngập cục bộ, cây đổ cành gẫy do bão số 3 gây ra, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty TNHH MTV: Thoát nước Hà Nội, Công viên cây xanh Hà Nội, Nước sạch Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị tập trung ứng trực 100% nhân lực, thiết bị phục vụ phòng chống bão.

Theo đó, các đơn vị ứng trực 24/7, triển khai phương án ứng phó kịp thời, tổng hợp báo cáo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Về chống úng ngập nội thành, các công trình đầu mối đã triển khai vận hành để duy trì hạ mực nước trên hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương, sông..., sẵn sàng ứng phó với lượng mưa lớn khi bão số 3 vào Hà Nội.

Các đơn vị đã duy trì ứng trực 100% quân số từ chiều 6/9 với khoảng 2416 người; 323 phương tiện; 139 thiết bị bơm hút chống ngập. Hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố đang được quản lý, vận hành đáp ứng yêu cầu thoát nước đô thị, chưa xảy ra úng ngập cục bộ. Về hệ thống cây xanh, chiếu sáng, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng giải tỏa cây gẫy đổ do bão số 3 với khoảng 573 người; 80 xe máy các loại; 100 cưa máy; 100 cưa tay. Đến 10h sáng 7/9, tổng hợp có 101 cây đổ, bật gốc (đường kính từ 18-35cm, cá biệt có 01 cây xanh đường kính 200cm) và khoảng 202 cành cây gãy đổ (đường kính 8-15cm).

Đơn vị duy trì cây xanh đã có mặt kịp thời tại các vị trí cây đổ, cành gãy thực hiện giải tỏa, thu dọn hiện trường đảm bảo giao thông. Về hệ thống chiếu sáng công cộng, các đơn vị huy động 100% lực lượng, phương tiện ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố về điện do bão số 3 với khoản 200 người và khoảng 50 phương tiện các loại.

9.jpeg -0
Bão chưa ảnh hưởng trực tiếp, Hà Nội đã có hàng loạt cây xanh gãy đổ.

Đến nay, bão số 3 gây ra 60 sự vụ liên quan đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: chạm chập, mất pha, nhẩy ATM, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn...; không ghi nhận ảnh hưởng đến cấp điện hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Hiện các sự vụ này đã được xử lý kịp thời đảm bảo chiếu sáng đô thị.Sở Xây dựng Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị duy trì thoát nước đô thị; tăng cường kiểm soát, triển khai các giải pháp đảm bảo thoát nước tại các khu vực thường xảy ra úng ngập cục bộ khi mưa lớn, tổ chức ứng trực tất cả nhân lực, thiết bị, máy bơm... theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để triển khai xử lý sự cố úng ngập trên địa bàn thành phố.

Song song, thường xuyên tua vớt rác các ga thu nước, hệ thống cống, rãnh, cửa xả..., không để tồn tại tấm chắn, vật cản ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước; vận hành tối đa các trạm bơm đầu mối tiêu thoát nước (Đồng Bông, Cổ Nhuế, Yên Sở, Bắc Thăng Long), phối hợp vận hành phương án điều tiết đập Thanh Liệt tuân thủ quy trình và Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND Thành phố phục vụ tiêu thoát nước khu vực nội thành và hỗ trợ tiêu thoát nước cho khu vực sông Nhuệ.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và các đơn vị tiếp tục rà soát hạ mực nước các hồ điều hòa, sông, kênh xuống mực nước thấp nhất phục vụ ảnh hưởng bão số 3. Đối với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị duy trì cây xanh, khẩn trương kiểm tra chằng chống hệ thống cây mới trồng hạn chế gãy đổ; bố trí tổng thể nhân lực ứng trực kịp thời giải tỏa cây, cành cây gãy đổ không để xảy ra ùn tắc giao thông. Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị và các đơn vị duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị: rà soát kiểm tra, thực hiện phương án duy trì chiếu sáng đô thị; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố do thiên tai đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng, không để sự cố mất tín hiệu đèn giao thông và các sự cố gây mất an toàn điện; tổ chức ứng trực đầy đủ nhân lực, máy móc thiết bị khắc phục sự cố do thiên tai.

Về phía các đơn vị cung cấp nước sạch, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ nhu cầu của nhân dân. Trường hợp mất nước cục bộ do thiên tai, phải có giải pháp cung cấp nước sạch kịp thời; dự trù các bình, bể chứa di động và phương án cung cấp bằng xe stec hoặc thiết bị chuyên dùng khác không để tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố.Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị duy trì hạ tầng kỹ thuật tổ chức ứng trực, ứng phó và xử lý sự cố, khắc phục hậu quả (nếu có) do thiên tai. Bên cạnh đó, tổng hợp tình hình, có báo cáo nhanh hàng ngày về Sở Xây dựng để tổng hợp.Sở Xây dựng Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm những nội dung chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo tình hình ứng phó bão số 3 gửi về Sở Xây dựng thông qua phòng Quản lý hạ tầng cấp, thoát nước trước 15 giờ 30 phút hàng ngày.

8d4885cac02867763e39.jpg -0
Cây đổ trưa ngày  7/9 trên địa bàn quận Long Biên. Ảnh: Quang Huy

Cũng ngày 7/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân  không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn... Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai thăm hỏi nạn nhân chấn thương do cây đổ

Cũng trong ngày 7/9, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh dẫn đầu đoàn công tác đến Bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi, động viên và tặng quà anh H.S.L, nạn nhân bị cây ngã đè trên đường Nguyễn Hữu Thọ chiều 6/9/2024. Trước đó, chiều 6/9 do ảnh hưởng của mưa dông trước bão số 3 (bão Yagi), một cây phượng trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bật gốc, bất ngờ đổ xuống lòng đường.

Vụ việc khiến chị L.T.T, sinh năm 1983 (quê Thanh Hóa) ngồi sau xe máy tử vong tại chỗ. Anh H.S.L (em chồng) sinh năm 1991, người cầm lái bị thương được lực lượng chức năng phường Hoàng Liệt đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Gia đình anh L hiện sống tại Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, thuộc địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Đoàn công tác quận Hoàng Mai cũng đến Khu tập thể cao tầng cũ A7 Tân Mai, nơi trong tối qua chính quyền đã huy động lực lượng khẩn cấp di dời 48 hộ dân sang trú bão tại trường Tiểu học Tân Mai.

Tại đây, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh đã thăm hỏi, tặng quà các cụ già, em nhỏ. Đồng thời động viên bà con yên tâm trú bão, hết bão sẽ có xe đưa mọi người về lại nhà. Chính quyền sẽ bảo vệ nhà cửa, tài sản cho bà con.

Chung cư A7, khu tập thể Tân Mai được xây dựng từ năm 1984 theo công nghệ lắp ghép với quy mô 5 tầng gồm 50 căn hộ nhưng chỉ có duy nhất một cầu thang. 14 năm trước đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ra văn bản xếp khu tập thể này vào loại nguy hiểm cấp C, cần ưu tiên cải tạo.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án cải tạo không có tiến triển, cư dân sống trong khu tập thể này luôn lo sợ tòa nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là khi mưa bão. Được biết, sau lần kiểm tra bất thường mới đây, Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh đã trực tiếp đôn đốc các đơn vị tham mưu, đề nghị TP sớm giao chủ đầu tư có năng lực thực hiện đầu tư xây dựng dự án cải tạo khu tập thể cũ Tân Mai, trong đó có khu nhà A7. 

Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh cũng đã đi kiểm tra chỗ ăn, ở của 25 hộ dân phường Hoàng Liệt phải di dời chống bão. Đoàn công tác lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và chỉ đạo phường Hoàng Liệt phải tập trung tối đa nhân lực lo lắng cho người dân.

CL
.
.
.