Hà Nội “giải bài toán” phân loại rác thải

Thứ Năm, 30/05/2024, 06:57

Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, đứng thứ hai cả nước chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2006, một số phường ở Hà Nội thí điểm phân loại rác, tuy nhiên không thể duy trì do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật. Và sau 18 năm, từ tháng 6 tới đây, Hà Nội sẽ lại tiếp tục triển khai thí điểm phân loại rác trên địa bàn 23 phường, tiến tới triển khai trên toàn TP.

Không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ bị phạt

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO), 5 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm sẽ thí điểm phân loại rác tại nguồn. Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; quận Ba Đình chọn phường Nguyễn Trung Trực; quận Nam Từ Liêm áp dụng tại phường Phú Đô, Cầu Diễn; quận Đống Đa chọn phường Nam Đồng. Riêng quận Hoàn Kiếm do đã có nền tảng từ trước nên sẽ thí điểm ở cả 18 phường. Thời gian thí điểm giai đoạn 1 đến quý I/2025. Sau đó, các quận tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh phương án để tiếp tục thí điểm giai đoạn 2 trong các tháng còn lại của năm 2025.

rac (2).jpg -0
Hà Nội mỗi ngày có 7.000 tấn rác thải cần xử lý. Ảnh: Phong Sơn

Việc thí điểm để có số liệu, kinh nghiệm thực tế cho Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2025. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn trên toàn TP trong năm 2026. Tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, rác được chia thành bốn nhóm gồm: Có khả năng tái chế; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại và chất thải sinh hoạt còn lại (bao gồm chất thải thực phẩm). Quận đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức quản lý của phường; chuẩn bị hạ tầng, chuẩn hóa các thiết bị thu gom như mẫu, quy cách, loại túi đựng. Đối với rác thải có khả năng tái chế ở hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ như giấy thải, sách vở bìa, cốc nhựa, vỏ chai, UBND phường bố trí điểm tập kết để thu theo thời gian cố định mỗi tuần hai lần.

Trước mắt, loại rác này sẽ đựng vào túi lưu trữ trong suốt do người dân tự chọn, sau đó cơ quan chức năng ban hành mẫu túi để tính khối lượng rác. Đối với rác thải cồng kềnh như tủ, bàn, ghế, sofa, phường Phạm Đình Hổ sẽ bố trí một điểm để người dân tập kết vào 7-11h thứ bảy hằng tuần. Những hộ gia đình phát sinh số lượng rác lớn, có thể gọi điện thoại đường dây nóng để thỏa thuận thu gom riêng. Đối với rác thải nguy hại như bóng đèn, pin, nhiệt kế, ắc quy, bao bì dầu mỡ, dầu thải, phường Phạm Đình Hổ sẽ thu tại một điểm tập kết, không bỏ chung với các loại rác thải khác. Các loại rác thải khác còn lại gồm cả rác thực phẩm sẽ thu gom trực tiếp kết hợp với đặt thùng rác theo giờ như hiện nay.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các địa phương phải phân loại rác tại nguồn. Công nhân môi trường sẽ từ chối thu gom rác không phân loại. Hộ gia đình, cá nhân không phân loại, hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt 0,5-1 triệu đồng. Việc phân loại rác thải cũng nhiều lần được cử tri đề xuất lên HĐND TP Hà Nội. Với lần thí điểm quy mô rộng hơn này, người dân kỳ vọng bộ mặt đô thị của TP văn minh, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, nhìn lại thực tế, trước đó, vào năm 2006, Hà Nội cũng từng triển khai dự án phân loại rác từ nguồn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Dự án kéo dài trong 4 năm và được chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 tổ chức khảo sát và đã triển khai trong năm 2006, các chuyên gia Nhật đi khảo sát thực tế tại các điểm xử lý chất thải các phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Láng Hạ, Thành Công. Giai đoạn 2 được thực hiện năm 2007 với việc thí điểm phân loại rác từ nguồn tại 4 quận: Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, đồng thời triển khai các hoạt động tuyên truyền về giữ gìn môi trường TP. Giai đoạn 3 được thực hiện trong năm 2008 - 2009 với việc đánh giá hiệu quả dự án, đồng thời nhân rộng dự án ra nhiều quận của TP. Đến nay, sau 18 năm, việc phân loại rác vẫn chưa được nhân rộng trên địa bàn Thủ đô do chưa đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom cũng như hệ thống pháp luật.

Chọn cách làm phù hợp với TP đông dân và đa dạng đặc điểm dân cư

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay hầu hết các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác thải rắn theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác thải rắn. Các địa phương đang đợi các hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện.

Ông Dương cho biết, các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết (theo Quyết định 592 năm 2014 của Bộ Xây dựng), chưa có thay đổi trong công tác thu gom, vận chuyển xử lý. Vẫn còn khoảng trống trong việc xử lý rác thực phẩm (đầu tư, qui trình, định mức và tiêu thụ đầu ra…).

Đối với Hà Nội, ông Dương cho rằng, việc thí điểm phân loại rác trước khi thực hiện đồng loạt rất cần thiết. Thời gian thí điểm sẽ cho chúng ta biết cách làm như nào là phù hợp với Thủ đô, một TP đông dân cư, có nhiều đặc điểm dân cư khác nhau. Cách Hà Nội đưa ra giai đoạn thí điểm có thể là để giải quyết từng phần một trong khi vẫn chưa đáp ứng được hạ tầng cho việc phân loại rác. Ví dụ xử lý dạng thực phẩm thế nào vẫn là vấn đề khó không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều địa phương. Phải tránh bài học cũ, trước năm 2020, chúng ta chưa có quy định nào bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Hà Nội cũng đã từng thí điểm nhưng hạ tầng chưa đồng bộ. Cũng vẫn chỉ dùng 1 chiếc xe đẩy và lại chôn lấp. Cũng theo ông Dương, nên có thời gian thí điểm để có lộ trình, xem áp dụng loại túi theo từng loại rác như thế nào, thử nghiệm cả việc trả tiền theo khối lượng rác như nào cho phù hợp với điều kiện của Hà Nội.

Trúc Linh
.
.
.