Hà Nội đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa lũ

Thứ Tư, 11/08/2021, 09:07

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, TP Hà Nội xác định khu vực công trình xử lý vết nứt dọc mặt đê dài 27m, rộng 1-3cm và vết nứt dọc đường hành lang phía thượng lưu với chiều dài 25,8m, rộng 0,5-4cm thuộc địa phận xã Liên Hà (huyện Đan Phượng là trọng điểm đê điều cần lập phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ năm nay).

 

Lý giải về điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là tuyến đê cấp I, đê hữu Hồng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong ngăn lũ, bảo vệ an toàn khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội. Nguyên nhân gây ra sự cố là do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng dẫn đến đoạn đê hữu Hồng thuộc địa phận xã Liên Hà đã xảy ra sự cố nứt dọc mặt đê dài 27m, rộng 1-3cm và vết nứt dọc đường hành lang phía thượng lưu với chiều dài 25,8m, rộng 0,5-4cm.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Nước mặt sông Hồng đã hoàn thành các bước khảo sát, thiết kế, thi công công trình xử lý vết nứt theo phương án cơ quan thẩm quyền phê duyệt, dưới sự giám sát của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng, Hạt Quản lý đê Đan Phượng. Công trình vừa mới xây dựng, chưa trải qua thử thách với các trận lũ lớn, do vậy, Hà Nội cần xác định đây là trọng điểm đê điều có phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ năm nay.

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn đoạn đê, huyện đã đặt ra các tình huống đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khoảng 2.100 hộ dân vùng thượng lưu các xã Liên Hồng, Liên Hà, Liên Trung...

Trên cơ sở phương án bảo vệ vị trí trọng điểm đê đã được UBND thành phố phê duyệt ngày 22/7, huyện đã chuẩn bị đủ 6.500m3 đất sét, 1.100 bao tải, 300.000 bao tải đất, 9.000m3 đá hộc, 4 máy xúc, 2 máy ủi, 3 sà lan tự hành, 15 ô tô tải... Huyện lập danh sách sẵn sàng huy động 360 người tham gia và phân công Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo bảo vệ đoạn đê này...

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Đan Phượng, để không bị động, bất ngờ, bảo đảm an toàn đoạn đê mới khắc phục sự cố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã giả định các tình huống có thể xảy ra, xây dựng phương án bảo vệ đoạn đê từ cấp độ thông thường đến cấp độ cực kỳ nguy hiểm... Đơn vị đã phân công các kiểm soát viên thường xuyên kiểm tra mái đê, chân đê khu vực xây dựng công trình khắc phục sự cố trong suốt mùa mưa lũ; đồng thời tập huấn cho lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp của huyện kỹ thuật hộ đê..., Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Đan Phượng Nguyễn Xuân Phong thông tin.

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục cho biết, ngoài điều động 18 người trực tại điếm tuần tra canh gác đê trong mùa mưa lũ, tham gia xử lý sự cố đê ngay từ đầu, xã còn xây dựng phương án sơ tán, bảo đảm an toàn cho 2.325 hộ dân nếu xảy ra sự cố mất an toàn...

Nam Giang
.
.
.