Giải pháp nào hạn chế tác động tới môi trường sau các vụ cháy?

Thứ Năm, 26/05/2022, 19:59

Các vụ cháy nổ không chỉ cướp đi sinh mạng và phá hủy tài sản của người dân, mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, đòi hỏi các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để hạn chế.

Chiều 26/5, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị”.

Nhà báo Khánh Toàn, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, thời gian vừa qua, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… liên tiếp các vụ cháy nổ xảy, gây thiệt hại về người và tài sản, trong đó các vụ cháy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh.

Giải pháp nào hạn chế tác động tới môi trường sau các vụ cháy? -0
Các đại biểu tham gia tọa đàm "Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị".

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác PCCC tại các công trình còn tồn tại bất cập. Có tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng giấy phép, báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an thông tin, tại các khu đô thị, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội rất nhanh, các dự án, công trình, các cơ sở mọc lên nhiều, nổi bật là các tòa nhà dịch vụ thương mại cao tần và trong các khu dân cư có các đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh diễn ra phổ biến.

“Công tác kiểm tra nắm bắt tình hình cho thấy các hộ gia đình, nhà ở kết hợp nơi sản xuất, kinh doanh cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC, chấp hành nghiêm quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới”, Trung tá Lê Minh Hải thông tin.

Giải pháp nào hạn chế tác động tới môi trường sau các vụ cháy? -0
Các đám cháy không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, thời gian qua, khi các vụ cháy nổ xảy ra, người dân mới chỉ quan tâm đến việc nó ảnh hưởng ra sao đến tính mạng, tài sản, nhưng chưa để tâm đến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng ra sao.

"Nhà dân xây rất sát nhau, khi cháy nổ không chỉ gây thiếu ô xy mà còn tạo ra luồng bụi mịn, theo gió lan ra làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực xảy ra vụ cháy và cách đó hàng trăm mét", bà Chi nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, trong một số trường hợp, nguồn nước chữa cháy xong chứa các chất hóa học độc hại sẽ chảy về các ao hồ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường bổ sung thêm, các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành thảm họa môi trường.

Giải pháp nào hạn chế tác động tới môi trường sau các vụ cháy? -0
Khói bụi từ các đám cháy có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân cách hiện trường hàng trăm mét.

“Các vụ cháy nổ có thể gây những tác động tiêu cực đến, sức khỏe, tài sản, môi trường. Các cơ sở sản xuất kinh doanh có tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, ông nói, đồng thời chỉ ra thực trạng nhiều doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ môi trường để tăng lợi nhuận, giảm chi phí.

Bàn về giải pháp cho công tác PCCC đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, Trung tá Lê Minh Hải, cho biết, chính sách, pháp luật về PCCC hiện nay tương đối đầy đủ và được cập nhật thường xuyên, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước, lực lượng chức năng cần tiếp tục chủ động tuyên truyền hướng dẫn người dân trong công tác PCCC, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm nghiêm trọng tạm đình chỉ, hay đình chỉ hoạt động và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”, Trung tá Lê Minh Hải nhấn mạnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh có hóa chất nguy hiểm, trong phương án PCCC của cơ quan Công an sẽ tiếp tục xây dựng những tình huống cụ thể, thực tập tình huống các đó nhuần nhuyễn, đưa ra các chiến thuật chữa cháy khoa học, giảm thiểu tác động của cháy nổ đối với môi trường.

Giải pháp nào hạn chế tác động tới môi trường sau các vụ cháy? -0
Các chuyên gia cho rằng cần tính phương án thu gom nước chữa cháy thải tại các đám cháy có chất hóa học nguy hiểm.

Về xử lý môi trường sau các vụ cháy nổ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: Hậu quả cháy nổ phụ thuộc vào biện pháp phòng ngừa, ứng cứu. Sau khi cháy nổ được kiểm soát, lực lượng chức năng cần tìm hiểu nguồn tiếp nhận nước thải, đặc tính vật liệu cháy, nguyên nhân vụ cháy, để dự đoán các yếu tố có thể gây ô nhiễm, đồng thời lấy mẫu quan trắc tại hiện trường.

“Chúng ta không thể thu gom lại khí, nhưng cần gom nước thải chữa cháy để xử lý, đảm bảo an toàn môi trường và xử lý chất thải rắn chất thải nguy hại. Việc cần làm nữa là tiến hành kiểm tra sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực xảy ra cháy nổ”, vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân, Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động, lại cho rằng, cần xây dựng phương án ứng phó đồng thời với cháy nổ và đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.

“An toàn vệ sinh lao động ở cơ sở phải thực hiện đồng bộ. Ví dụ: Tái chế nhựa xảy ra nhiều vụ cháy nổ ở Hà Nội vì chưa đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, vấn đề điện, quy trình vệ sinh lao động chưa thực hiện đầy đủ”, bà Thủy nói.

Thái Hà
.
.
.