Giải pháp nào để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần?

Thứ Hai, 29/05/2023, 06:17

Theo con số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023 đã có gần 370 nghìn người lao động rút BHXH một lần. Trong khi đó, tính từ năm 2016 đến 2022 có đến 4,48 triệu người rút BHXH một lần.

Con số này thực sự đáng báo động khi tình trạng rời hệ thống an sinh xã hội này được dự báo có thể còn tăng lên do thị trường lao động đang có nhiều diễn biến bất ổn như hiện nay. Tăng quyền lợi BHXH, tạo môi trường làm việc ổn định và cho vay vốn tín dụng với lãi suất thấp… là những đề xuất được đưa ra để người lao động không phải rút BHXH một lần.    

Tình trạng đáng quan ngại

Nghỉ việc gần 1 năm nay, anh Phan Thế Song từng có hơn 16 năm làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho hay, anh đang có ý định làm hồ sơ để nhận BHXH một lần. Hơn 16 năm làm công nhân xa nhà, trừ đi khoản tiền thuê trọ và các chi phí sinh hoạt, số tiền lương còn lại gửi về quê để vợ nuôi hai con ăn học gần như không đủ, càng không có tích lũy.

bhxhvn.jpg -0

“Tôi năm nay đã 43 tuổi, thời gian tham gia BHXH cũng đã được gần 17 năm. Công ty ít việc, không có làm thêm nên tôi quyết định nghỉ việc ra ngoài bươn trải. Vẫn đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, tuy nhiên nếu tới đây tôi quyết định về quê thì chắc chắn tôi sẽ phải rút BHXH một lần. Không có tích lũy thì chỉ đành phải dùng đến khoản “tiết kiệm” này. Tôi cũng muốn tiếp tục tham gia BHXH để về già có lương hưu, nhưng nếu đóng tiếp BHXH tự nguyện thì phải đóng thêm hơn 13 năm nữa e rằng khó cáng đáng được”, anh Song cho hay.

Theo con số của BHXH Việt Nam, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023 cả nước đã có 369.800 người rút BHXH một lần, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần, một phần là do áp lực kinh tế, mất việc làm, phần khác do tâm lý của người lao động trước thông tin sửa đổi quy định về rút BHXH một lần.

Tình trạng rút BHXH một lần luôn tăng trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê từ năm 2016 đến 2022, có 4,48 triệu người rút BHXH một lần nhưng chỉ có 1,24 triệu người sau khi rút BHXH quay trở lại hệ thống, chiếm 27,7%. Những người rút BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ 20 – 30 tuổi chiếm 41,52%, từ 30 – 40 tuổi chiếm 38,6%. Trong số những người rút BHXH một lần có đến 55% là lao động nữ.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, những người rút BHXH một lần, ngoài nguyên nhân về kinh tế còn do văn hóa, nếp sống, đặc trưng vùng miền. Vùng đồng bằng sông Hồng có số người rút BHXH chiếm khoảng 2,23%, trong khi vùng Đông Nam Bộ là trên 5% và đồng bằng sông Cửu Long gần 11%.

Cho vay ưu đãi hỗ trợ công nhân lao động

Số lao động rút BHXH một lần đang tăng mạnh những năm gần đây. Sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hàng trăm nghìn người lao động lại tiếp tục đối mặt với khó khăn về việc làm khi doanh nghiệp lâm vào cảnh khan hiếm đơn hàng. Đặc biệt tình trạng này đang được dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Do đó, số lao động bị ảnh hưởng việc làm, mất việc làm sẽ tiếp tục tăng và người lao động rút BHXH một lần cũng sẽ tăng theo.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, không ít công nhân, người lao động hiện nay cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Do đó, khi người ta cần phải giải quyết khó khăn trước mắt thì họ vẫn cứ chọn giải pháp rút BHXH một lần. Họ cần nguồn vốn đề chuyển sang việc khác như mở cửa tiệm nhỏ làm ăn để tạo vốn liếng, đảm bảo cho cuộc sống khi không còn đi làm hay xin được việc làm khác. Chính vì thế, dù biết rút BHXH một lần là không nên nhưng họ vẫn rút vì không còn nguồn nào khác.

“Chúng ta đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cho nên cần nghiên cứu, điều chỉnh thời gian đóng hưởng hợp lý với từng đối tượng người lao động để giữ chân và thu hút thêm người lao động tham gia BHXH, đây là giải pháp lâu dài. Đối với trường hợp lao động khó khăn, giải pháp trước mắt chúng ta có thể tính đến việc có chính sách hỗ trợ, có thể cho vay qua hình thức quỹ giúp đỡ công nhân khó khăn với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Khi có được công việc ổn định, có thể vài ba năm hoặc 5 năm, người lao động sẽ trả dần. Từ đó, giúp họ ở lại hệ thống BHXH để về già đỡ khổ cực và không tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh”, PGS.TS Vũ Quang Thọ kiến nghị.

Thực tế hiện nay, kiến nghị cho công nhân người lao động được vay với lãi suất ưu đãi để giải quyết khó khăn trước mắt đã được một số cơ quan như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Công ty Tài chính TNHH HD SAISON và Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC để triển khai gói vay ưu đãi 20 nghìn tỷ đồng dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên toàn quốc vay ưu đãi. Chương trình đã được triển khai, công nhân lao động khó khăn sẽ được tổ chức công đoàn đứng ra bảo lãnh và tín chấp.

“Các giải pháp này cũng rất hiệu quả để giúp công nhân lao động vượt qua được khó khăn trước mắt. Còn về lâu dài để người lao động gắn bó với hệ thống BHXH thì vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là duy trì được việc làm và thu nhập cho họ. Cùng với đó, các quy định liên quan đến BHXH của người lao động phải có quyền lợi hấp dẫn, tốt hơn”, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết.

Để hỗ trợ người lao động, hiện một số ngân hàng đề xuất phương án với cơ quan BHXH thay vì người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, ví dụ 50 triệu đồng thì cơ quan BHXH đề nghị họ không rút số tiền đó mà coi đó là khoản thế chấp cho ngân hàng để được vay tiền. Sau 1 – 2 năm, người lao động có tiền thì trả lại tiền ngân hàng, trường hợp không có điều kiện trả tiền thì mới làm thủ tục rút BHXH một lần. Giải pháp này được cho là thiết thực, hiệu quả giúp người lao động sẽ cân nhắc khi rút BHXH một lần.

Ông Quảng cho rằng, đây cũng có thể là giải pháp tình thế hiệu quả. Tuy nhiên, giải pháp này cũng sẽ gặp vướng mắc. “Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định. Đây là phương án hay nhưng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải nghiên cứu, xem xét sửa đổi một số quy định và các luật liên quan”, ông Quảng cho hay.

Phan Hoạt
.
.
.