Giải pháp nào đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch sau lũ?
Mỗi đợt mưa lũ qua đi không chỉ để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nước sạch, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đòi hỏi các biện pháp xử lý quyết liệt và đồng bộ.
Sáng 19/10, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ” nhằm tìm ra các giải pháp quản lý, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân vùng lũ.
Nhà báo Khánh Toàn, Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ: Nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy vậy, mỗi mùa mưa lũ qua đi không chỉ để lại hậu quả về người và tải sản, nhiều địa phương còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường.
Đánh giá về thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, Việt Nam đang đứng trước tình trạng “nước chỗ quá thừa, chỗ quá thiếu, chỗ lại quá bẩn”.
“Nhu cầu sử dụng nước phân bổ không đồng đều giữa các vùng, nguồn nước có thể khai thác được cũng không đồng đều”, ông Khuyến nói, lấy ví dụ tỉnh Sơn La có trữ lượng nước mặt lớn, nhưng một số vùng ở huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước; hay tại vùng núi phía Tây tỉnh Nghệ An người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt…
ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) thông tin thêm, sau mỗi đợt bão lũ, không chỉ nước giếng khoan, nước sông suối, chất lượng nước máy ở nhiều khu vực cũng bị ảnh hưởng, không đạt chỉ tiêu về độ đục và vi sinh vật.
“Do vậy, trong thời điểm này các đơn vị cung cấp nước cần phải tăng cường bảo vệ nguồn nước nguyên liệu và giám sát chặt chẽ trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước”, bà Thủy nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhận định, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới trong những năm gần đây tình trạng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu.
Bởi vậy, để bảo đảm, phục hồi, tái thiết nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa phương sau lũ cần những giải pháp cấp bách mang tính bền vững để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, về lâu dài, Việt Nam cần các giải pháp đồng bộ để đảm bảo nguồn nước. Ví dụ, tại các vùng hạn hán cần có các hồ chưa nước thủy lợi và hồ chứa nước phục vụ dân sinh, để khi xảy ra hạn hán hay mưa lũ, nguồn nước bị cạn kiệt hoặc bị ô nhiễm thì có nguồn nước dự trữ để xử lý.
“Tuy nhiên vấn đề đặt ra là để giải quyết được thực trạng này cần nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất trong thiết kế công trình cấp nước phải tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu”, ông Luân nêu quan điểm.