Già hóa dân số và nỗi lo bệnh tật kép

Thứ Năm, 30/12/2021, 07:50

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi (năm 2020), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và thế giới (73 tuổi), trở thành một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ tăng và mức sinh giảm dẫn đến số lượng và tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng.

Dự báo, thời kỳ "dân số già" sẽ bắt đầu vào năm 2036 khi tỷ trọng dân số 65 tuổi trở lên đạt 14,2% (14,3 triệu người) và cơ cấu "dân số rất già" sẽ xuất hiện vào năm 2056 với tỷ trọng người 65 tuổi trở lên chiếm 21,1% (24,5 triệu người). Trong đại dịch COVID-19, người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong cao do mang nhiều bệnh nền.

Tuổi thọ cao nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ), Bộ Y tế, năm 2011, Việt Nam bước vào giai đoạn "già hóa dân số" với tỷ trọng dân số cao tuổi (65+) chiếm 7% tổng dân số. Trong 30 năm qua, tỷ trọng dân số 65+ tăng 1,7 lần, từ 4,7% (1989) lên 8,0% (2020). Số người cao tuổi ở Việt Nam hiện chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục DSKHHGĐ nêu thực trạng: Tuy tuổi thọ trung bình của Việt Nam tăng 8,5 tuổi kể từ năm 1989 (65,2 tuổi) so với năm 2020 (73,7 tuổi), cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh còn thấp so với nhiều nước (chỉ đạt 65 tuổi), số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Tầm vóc, thể lực và sức bền của người Việt Nam chậm được cải thiện. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh không lây nhiễm, điều này đặt ra các vấn đề về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

BS Trường cũng cho biết, trung bình một người cao tuổi thường mắc 3 bệnh mãn tính, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Lẽ ra, người cao tuổi phải được sống khỏe mạnh, thì ở nước ta, bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều người lại sống trong bệnh tật, ốm yếu, kéo theo đó là gánh nặng chi phí chữa bệnh.

Hiện nay, người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn, điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với hỗ trợ của con cháu và gia đình (chỉ có 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội); 18% người cao tuổi sống trong hộ nghèo; 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3% người cao tuổi còn khó khăn, thiếu thốn; 10% người cao tuổi sống trong nhà tạm… Những khó khăn, thiếu thốn đã ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người cao tuổi trong tương lai. Hơn thế nữa tình trạng người cao tuổi không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như đại dịch COVID-19, người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 là người cao tuổi chuyển biến nặng và tử vong cao, do phần lớn có bệnh nền.

Giải pháp nào để thích ứng?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, ngành Dân số đang đối mặt với các thách thức đặt ra, trong đó có vấn đề thích ứng với già hóa dân số. Hiện nay, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung của Việt Nam chưa thích ứng với già hóa dân số nhanh, mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dân số, điều quan trọng nhất là đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Đây là một giải pháp rất phù hợp với người cao tuổi để họ vẫn tiếp tục sống một cách an toàn, độc lập và thoải mái. Hiện nay ở Việt Nam, có một số mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng như: Trung tâm tư vấn, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe (CSSK), trung tâm CSSK người cao tuổi ban ngày, công ty/trung tâm dịch vụ giúp việc nhà… Trong các mô hình đang được triển khai, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là một mô hình có nhiều hoạt động CSSK, tinh thần và sinh kế. Hiện cả nước có gần 3.500 Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau được thành lập tại 61 tỉnh/thành phố với hơn 170.000 thành viên.

Tuy nhiên, theo Tổng cục DSKHHGĐ thì mô hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực được đào tạo, chi phí dịch vụ chăm sóc cao, hệ thống an sinh xã hội chưa thích ứng với già hóa dân số… Vậy, giải quyết vấn đề này như thế nào? Đại diện Tổng cục DSKHHGĐ cho rằng, cần phải giải quyết đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Hoàn thiện và bổ sung khung pháp lý hướng tới già hóa khỏe mạnh, đặc biệt về bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Tổ chức hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, tập trung vào các bệnh không lây nhiễm; củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CSSK ban đầu; bảo hiểm y tế phổ cập. Kết nối, hợp tác giữa chăm sóc dựa vào cộng đồng, chăm sóc tập trung với cơ sở y tế, đặc biệt trong chuyên môn lão khoa. Hoàn thiện và triển khai xã/phường thân thiện với người cao tuổi. Cuối cùng là tăng cường truyền thông về các vấn đề của người cao tuổi.

Trần Hằng
.
.
.