Giá điện tăng 3% từ ngày 4/5: Người dân chịu áp lực ra sao?

Thứ Sáu, 05/05/2023, 08:35

Chiều 4/5, Bộ Công Thương đã công bố biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt và các nhóm khách hàng sử dụng điện cho kinh doanh, sản xuất, công nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, thương mại, dịch vụ. Trong đó, với mức tăng 3% giá bán lẻ điện bình quân không tác động nhiều đến CPI và đời sống người dân do với hộ dùng điện nhiều trên 400 kWh/tháng, tiền điện tăng thêm cũng chỉ hơn 27.200 đồng/hộ.

Giá điện sinh hoạt cao nhất 3.015 đồng/kWh

Theo Quyết định số 1062 của Bộ Công Thương, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện dao động 999 - 2.844 đồng/kWh tuỳ khung giờ cao, bình thường và thấp điểm.

Giá điện tăng 3% từ ngày 4/5: Người dân chịu áp lực ra sao? -0
Phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Cấp điện áp 22kV đến dưới 110kV, giá 1.037 - 2.959 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Cấp điện áp 6kV - dưới 22kV, giá bán 1.075 - 3.055 đồng/kWh, tuỳ khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6kV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/kWh.

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 - 1.940 đồng/kWh tuỳ khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế VAT.

Về giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ kWh 0-50 là 1.728 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.678 đồng/kWh). Bậc 2 từ kWh 51-100 là 1.786 đồng/kWh (biểu giá cũ là 1.734 đồng/kWh). Bậc 3 từ kWh 101-200 là 2.074 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.014 đồng/kWh). Bậc 4 từ kWh 201-300 là 2.612 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.536 đồng/kWh). Bậc 5 từ kWh 301-400 đồng/kWh là 2.919 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.834 đồng/kWh). Bậc 6 cho kWh 401 trở lên là 3.015 đồng/kWh (biểu giá cũ là 2.927 đồng/kWh). Như vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt đã tăng khá mạnh, đặc biệt đối với các hộ dùng từ bậc 4 sẽ có chênh lệch khá rõ với giá cũ. Trước đó, EVN cũng quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3% từ hôm nay (4/5), lên mức trên 1.920 đồng/kWh.

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với biểu giá bán điện sinh hoạt mới, theo tính toán, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tương tự, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).

Giá điện tăng 3% từ ngày 4/5: Người dân chịu áp lực ra sao? -0
Phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Không tác động lớn tới CPI

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, mức tăng giá 3% tác động không lớn đến CPI. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá điện tăng 5% sẽ tác động khoảng 0,17%. Tuy nhiên, với mức tăng 3%, giúp Tập đoàn giảm bớt khó khăn tài chính. Dự kiến, trong 8 tháng còn lại của năm 2023, với mức tăng 3% giá điện bán lẻ bình quân, doanh thu của EVN tăng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tăng giá điện chỉ là một trong các giải pháp để giải quyết các khó khăn tài chính của EVN. Tập đoàn đã có những biện pháp như: Giảm chi phí thường xuyên; sửa chữa lớn; chi phí nhân công, tiền lương phải cắt giảm...

Ngoài ra, EVN còn thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, tận dụng tối đa các nguồn điện có giá thành rẻ, làm việc với các nhà cung ứng khí, than để giảm giá nhiên liệu, để giảm đầu vào. Dự báo, trong cao điểm hè sắp tới, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng, việc đảm bảo nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh là yêu cầu đặt ra với EVN.

Về mức tăng này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, kết quả kiểm toán cho biết, giá thành điện năm 2022 tăng 9,27% so với năm 2021 mà giá điện chỉ tăng 3% là mức tăng khá thấp, chưa thực hiện được nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất điện. Tuy nhiên, mức tăng này đã thực hiện được yêu cầu của thường trực Chính phủ là "việc điều chỉnh giá điện phải đảm bảo không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân".

Trên thực tế, giá bán lẻ điện bình quân chung tăng 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, tức là tăng 56 đồng/kWh từ 1.864,44 đồng lên 1.920,3732 đồng. Mức tăng này tuy không lớn, nhưng vẫn ảnh hướng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân khi mùa nắng nóng đã tới. Nếu giá điện tăng 3% thì số tiền điện bình quân phải chi thêm của 25 triệu hộ tiêu dùng khoảng 12.000 đồng mỗi tháng. Trong đó, nếu hộ tiêu dùng 50kWh/tháng phải chi thêm 2.550 đồng, nếu hộ tiêu dùng 400kWh/tháng phải chi thêm 35.600 đồng/tháng.

“Hiện, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn được chia làm 6 bậc lũy tiến, với nguyên tắc dùng càng nhiều thì càng phải tăng bậc với giá cao hơn. Và đương nhiêu tiền điện sẽ phải trả nhiều hơn. Mặt khác, những tháng nắng nóng, thông thường tiền điện tiêu thụ thường tăng nhiều hơn tháng bình thường gấp 2 lần. Do đó, tiền điện tăng mạnh là không tránh khỏi kể cả lúc giá điện chưa tăng. Vì thế, giá điện tăng cao hơn cũng là một áp lực lớn cho người dân vào dịp này. Theo tôi, giải pháp quan trọng nhất là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn”, ông Thoả nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.