Gần 10 năm vẫn chưa giải tỏa lồng bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô
Gần 10 năm qua, đã có rất nhiều cuộc họp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương từ huyện đến tỉnh, cùng với những kế hoạch, phương án được xác lập, thế nhưng biện pháp giải tỏa hàng chục ngàn lồng tôm, cá trong vịnh Vũng Rô ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) vẫn chưa thực hiện được.
Báo cáo cuối tháng 9-2021 của UBND thị xã Đông Hòa cho biết, trên vịnh biển Vũng Rô đến nay có 380 chủ bè thả nuôi 16.480 lồng tôm, cá; tăng hơn so với năm 2019 là 128 chủ bè với 9.257 lồng. Nguyên nhân phát sinh là do một số người tách riêng, kết quả kiểm tra trước đó có thiếu sót, một số lồng bè từ nơi khác kéo đến nơi này vào ban đêm không kiểm soát được… Trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, UBND xã Hòa Xuân Nam và Đồn Biên phòng cửa khẩu Vũng Rô đã phát hiện 8 bè tôm, cá do người dân huyện Tuy An (Phú Yên) và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) kéo đến. Ngoài việc kiên quyết ngăn chặn, UBND thị xã Đông Hòa đã xử phạt vi phạm hành chính chủ bè tôm và tàu cá lai dắt bè 135 triệu đồng.
Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, đến cuối tháng 10/2021 toàn bộ lồng bè tôm, cá phải di dời ra khỏi vịnh Vũng Rô, nhưng ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa cho biết, có nhiều khó khăn vướng vấp không thể thực thi đúng thời hạn quy định.
Thứ nhất là việc xử lý tài sản khi cưỡng chế, vì đây là tôm, cá sống có số lượng rất lớn, trọng lượng khác nhau nên phải xác định phương thức kiểm đếm, biện pháp bảo quản… Sở Tư pháp Phú Yên đã có văn bản thỉnh thị ý kiến của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, nhưng chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Nếu cưỡng chế bằng biện pháp cẩu kéo lồng bè rời khỏi vịnh Vũng Rô thì không có căn cứ xác định giá trị tài sản, không có nơi tập kết lồng bè và nguy cơ sóng biển xô đập gây thiệt hại tài sản sẽ xảy ra, dẫn đến những hậu quả pháp lý khác.
Thứ hai là ngoài một số người dân ở nơi khác đến, hầu hết lồng bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô của người dân địa phương chuyển từ nghề khai thác hải sản ven bờ sang nuôi tôm, cá là nghề nghiệp và nguồn thu nhập chính, đến thời điểm này chưa có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp nên nếu giải tỏa lồng bè sẽ ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Thứ ba, chi phí cưỡng chế ước tính khoảng 10,5 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách của thị xã Đông Hòa không thể “gánh” nổi. Ngoài việc kiến nghị cho phép chuyển đổi lộ trình cưỡng chế từ tháng 3 đến 5/2022 đối với những người ở ngoài thị xã Đông Hòa, sau đó sẽ tiếp tục cưỡng chế các trường hợp còn lại; UBND thị xã Đông Hòa còn đề nghị UBND tỉnh Phú Yên hỗ trợ kinh phí cưỡng chế, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan hướng dẫn quy trình cưỡng chế, giải tỏa lồng bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô gắn với việc xử lý tài sản cưỡng chế, hỗ trợ giải quyết việc làm cho những người sinh sống bằng nghề nuôi tôm, cá.
Với những khó khăn nêu trên, chưa biết đến bao giờ lồng bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô mới được giải tỏa? Dư luận đang chờ câu trả lời chính thức từ cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên.