Quản lý sử dụng tiền công đức:

Đừng để 'tiền chùa' cũng khóc

Thứ Bảy, 14/03/2015, 08:47
Minh bạch trong quản lý “tiền chùa” là mong muốn của bất kỳ ai khi phát tâm công đức. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức theo pháp luật hay theo “lệ làng” đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Nước ta có hàng nghìn cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng với khoảng 8.000 lễ hội mỗi năm. Việc bảo tồn, tôn tạo các cơ sở này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, công tác tổ chức lễ hội gắn với những nơi này cũng tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Cùng có nguyện vọng góp công, góp sức để bảo tồn những nơi tôn nghiêm này mà đa số người dân khi đến đây đều đóng góp tiền giọt dầu, công đức.

Minh bạch trong quản lý “tiền chùa” là mong muốn của bất kỳ ai khi phát tâm công đức. Việc quản lý, sử dụng tiền công đức theo pháp luật hay theo “lệ làng” đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Trong mùa lễ hội này, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu và có loạt bài phản ánh chân thực những gì đang diễn ra với “tiền chùa”.

Bài 1:  Loay hoay “quản tiền chùa”

“Biến dạng” di sản vì công đức

Nói về nguồn thu của các đền chùa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (gọi chung là di tích), PGS, TS Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phân tích, hiện các di tích có các nguồn thu từ vé, từ các dịch vụ, từ giọt dầu, hòm công đức (có thể ghi hoặc không ghi) và nguồn thu từ các hoạt động tín ngưỡng của chủ các cơ sở thờ tự, phủ đền hoặc các nhà chùa.

Nếu đứng ở góc độ khác thì có thể thấy, có loại nguồn thu mang tính chất thường xuyên và nguồn thu mang tính chất tạm thời.

Có nguồn thu nữa là tiền sửa chữa từ chương trình mục tiêu quốc gia của các tỉnh (đối với các di tích được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia). Ngày xưa còn có thêm nguồn thu từ ruộng công.

Hiện nay, một số làng vẫn duy trì ruộng công cho nhà chùa như ở làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), nhưng nguồn thu kiểu này còn rất ít.

Có một loại công đức nữa là công đức bằng hiện vật qua các chương trình tu bổ, xây dựng, tôn tạo. Tuy nhiên, do thiếu định hướng chung nên thực tế đã diễn ra tình trạng công đức lộn xộn, không theo một quy chuẩn nào.

Việc tu sửa các cơ sở tín ngưỡng, lịch sử văn hóa đòi hỏi thiện tâm của người dân, song cũng đặt ra yêu cầu quản lý, sử dụng tiền công đức. Ảnh : An Khang.

PSG, TS Lương Hồng Quang dùng từ “tiếp nhận không theo quy chuẩn nào” để nói đến tình trạng lộn xộn trong việc tiếp nhận tiền và hiện vật công đức.

Kể cả việc ghi danh biểu dương công quả của người công đức giờ cũng khác xưa, không còn khiêm tốn, mà trở nên khoa trương, thể hiện. Chính điều này đã để lại hậu quả không nhỏ về di sản, di tích, làm biến dạng di tích.

Thực tế đã cho thấy, một bộ phận người đóng góp có xu hướng áp chế, điều chỉnh di tích theo ý muốn của của họ. Điều đó thật nguy hiểm.

Sở dĩ vấn đề công đức được “hâm nóng” như hiện nay là bởi số lượng người đi lễ rất nhiều, số tiền công đức nhiều. Trong xã hội hiện đại thì tất cả các dòng chảy tài chính trong xã hội đều cần phải được kiểm soát. Tuy nhiên, đến nay tiền công đức, tiền huy động thì lại chưa được kiểm soát.

Theo góc nhìn của PGS, TS Lương Hồng Quang, cả xã hội chỉ sản xuất ra một tổng tiền, nếu số tiền đó không vào chỗ này thì sẽ chảy vào chỗ kia. Nước ngoài đã có luật về hiến tặng, luật về quỹ. Trong trường hợp này, công đức có thể được đưa vào luật quỹ và luật hiến tặng để kiểm soát. 

Thêm một khía cạnh nữa khiến cho tiền công đức đang trở thành vấn đề nóng. Đó là sự mất đoàn kết vì công đức.

Đã từng có một số thành viên trong ban quản lý của một ngôi đền ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh sống trong nghi ngờ khi vấn đề tài chính của đền không được công khai rõ ràng.

Hay chuyện từng “khoán” tiền công đức ở di tích đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An…

Số công đức lớn, lại không được minh bạch nên dễ dẫn đến mất đoàn kết trong chính những người quản lý di tích, gây mất hình ảnh văn hóa ở nơi mà người dân đã đặt niềm tin vào thể hiện bằng chính những đồng tiền công đức.

Cũng bởi nguyện vọng muốn rõ ràng trong việc quản lý tiền công đức để tránh nghi kị và ảnh hưởng đến môi trường văn hóa di tích Đền Rồng (phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng, những người trông nom, quản lý ở đây đã trưng một tấm biển thông báo rõ ràng trong đền.

Nội dung thông báo yêu cầu khách không để tiền mệnh giá to trên ban thờ để tránh phát sinh tiêu cực, hiểu lầm giữa khách với khách cũng như giữa những người trông nom đền.

Một “nhà” nhiều “thủ quỹ”

Sự thỏa thuận trong việc phân chia nguồn tiền công đức chính là nguyên nhân gia tăng số lượng hòm công đức và đĩa, khay đựng giọt dầu.

Ở nhiều cơ sở tín ngưỡng, tiền giọt dầu do các cụ cao tuổi địa phương quản lý, chi tiêu, còn tiền trong hòm công đức lại do chính quyền hoặc ngành văn hóa quản lý.

Bởi thế mà người có trách nhiệm được giao trông nom di tích phải luân phiên đi gom tiền giọt dầu, chủ yếu đây là tiền lẻ. Gom rồi đi đổi với ngân hàng thì mới chi tiêu.

Theo PGS, TS Lương Hồng Quang, hiện nay có rất nhiều mô hình quản lý tiền công đức. Có nơi có ban quản lý do nhà nước lập ra, chi tiêu theo quy chế và có kiểm soát. Có nơi lại do địa phương (làng) tự lập ban quản lý.

Trong các ban quản lý của làng còn chia ra các đầu mối khác nhau, ví dụ như Hội Người cao tuổi phụ trách hòm công đức này, Hội Phụ nữ phụ trách hòm công đức kia, xóm A một hòm công đức, xóm B một hòm công đức, chia theo mối lợi khác nhau…

Tiền lẻ rải dưới một bức tượng ở chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh).

Trường hợp quản lý tiền công đức ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) giống như vậy.

Mô hình khác, ở Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) thì nhà sư trụ trì quản lý tiền giọt dầu, hòm công đức thì ban quản lý phụ trách.

Đối với đền Trần (tỉnh Nam Định) lại có mô hình quản lý đặc biệt. Di tích Đền Trần có hai quy chế chi tiêu, một là theo Nhà nước, một theo cơ chế tự quản có báo cáo Nhà nước.

Cụ thể, tiền thu ấn thuộc về ngân sách Nhà nước, chi tiêu theo ngân sách. Tiền dầu nhang ở đây lại do các cụ cao tuổi địa phương quản lý, chi tiêu công khai.

Ở đền Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng tương tự. Tiền giọt dầu do các cụ cao tuổi của địa phương quản lý để chi tiêu cho việc trông nom, hương khói. Nhưng hòm công đức lại do Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội quản lý.

Ở di tích Bà Chúa Xứ (An Giang) thì có cơ chế quản lý công đức thống nhất đầu vào và đầu ra do ban quản lý của Nhà nước và hạch toán như một tổ chức.

Tại Hà Nội, một trong những điểm hấp dẫn khách du xuân chính là phủ Tây Hồ. Đây là nơi có nguồn công đức khá lớn.

Ông Trương Công Đức, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết, trung bình phủ Tây Hồ tiếp nhận công đức khoảng vài tỷ đồng mỗi năm. Ngày cao điểm, số tiền công đức được khoảng 180 triệu đồng, tiền lẻ xếp chật hai thùng giấy.

Cũng theo ông Đức, việc chi tiêu nguồn tiền công đức này được làm rất chặt chẽ. Ngoài việc sử dụng để chi cho những người quản lý là cư dân trong phường Quảng An bầu ra, mỗi người 200.000đ/ngày, còn lại tới 98% số tiền công đức được dành cho tôn tạo di tích này.

Mấy năm qua, tại di tích này đã xây dựng một hội trường lớn để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và tu bổ… Số tiền nhiều tỉ đồng dành cho xây dựng được lấy từ nguồn công đức của khách thập phương.

Nghị định 92/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp  lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có nhắc đến nguồn thu từ công đức.

Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu, cho ra đời Thông tư liên tịch số 04/2014 vào năm 2014, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, thông tư này cũng mới chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch số tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ; người phụ trách (trụ trì), ban quản lý phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

Vấn đề minh bạch như thế nào, phương thức thu nhận, quản lý như thế nào thì vẫn đang được bàn và chưa có một hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cụ thể.

Vậy thì đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài để hoạt động tín ngưỡng qua việc công đức vẫn phát huy được giá trị văn hóa vốn có trong cuộc sống xã hội hiện đại?

 (Xem tiếp bài cuối: Thiện nguyện, thiện tâm)

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.