Đưa dịch vụ viễn thông từ bổ sung thành thiết yếu

Chủ Nhật, 20/03/2016, 09:38
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ khi có 2 luật này, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định.

Số lượng thuê bao viễn thông di động của Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 3 lần, từ khoảng 45 triệu thuê bao năm 2009 đến hơn 120 triệu thuê bao vào cuối 2015. Đặc biệt, thuê bao băng rộng 3G cũng tăng trưởng mạnh với gần 40 triệu thuê bao tính đến thời điểm hiện nay.

Cả nước đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay.

Về hàng hải, 1.880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu, 10.873 tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển.

Nhận định về những thành công bước đầu mà 2 luật này mang lại, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã nhấn mạnh: Luật Viễn thông và Tần số vô tuyến điện đã làm thay đổi đời sống của người dân và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh và tạo ra một môi trường học tập, lao động vô cùng tiện ích cho người dân trên mọi miền Tổ quốc. Trong 5 năm qua, viễn thông, Internet tại Việt Nam từ một dịch vụ cao cấp đã trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến trong mọi gia đình, công sở, trường học; từ một dịch vụ bổ sung đã trở thành một dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống…

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng 2 luật này vào cuộc sống cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặc biệt là trong quản lý nhà nước. Đơn cử như trong lĩnh vực quản lý tần số vô tuyến điện, công tác quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến chưa đạt kết quả mong muốn. Nhiều thiết bị vô tuyến điện không đúng với quy hoạch tần số của Việt Nam tiếp tục được đưa vào sử dụng trong nước, như điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 gây can nhiễu cho mạng 3G, thiết bị nhận dạng vô tuyến RFID, camera không dây gây nhiễu cho các mạng di động băng tần 900 MHz...

Bên cạnh đó, trong năm 2015 đã xử lý 260 vụ can nhiễu, trong đó các đơn vị đã phối hợp xác minh, xử lý kịp thời 10 vụ can nhiễu giữa các mạng đài vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xử lý 1.080 điện thoại DECT 6.0; RFID, camera không dây, 173 thiết bị kích sóng di động… Tương tự, trong lĩnh vực viễn thông, những hiện tượng như thuê bao ảo, tin nhắn rác, cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn thông tin riêng của người sử dụng cũng cho thấy công tác quản lý vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần phải sớm khắc phục.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia trong lĩnh vực này đề xuất: Các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung hoàn thiện pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành có liên quan; tăng cường chính sách quản lý cạnh tranh, bảo vệ cạnh tranh theo thông lệ quốc tế; chú trọng công tác hậu kiểm và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp thông qua các cam kết ràng buộc mang tính kinh tế, kỹ thuật khả thi.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần phải kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và giải quyết tình trạng độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư cao tầng.

Huyền Thanh
.
.
.