Đưa các quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống: Kỳ vọng nhiều đột phá
Phát huy tối đa tiềm năng giá trị đất đai, bảo vệ tốt hơn quyền của người sử dụng đất, đặc biệt đối với đất nông nghiệp khi Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống. Đây là đánh giá của các nhà quản lý, các chuyên gia tại tọa đàm “Đưa quy định mới về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 6/3.
Theo các chuyên gia, khi các quy định mới về đất nông nghiệp được thực thi sẽ nâng cao giá trị sử dụng đất, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, áp dụng được khoa học kỹ thuật trình độ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cũng cần đảm bảo để không xảy ra tình trạng “ngoại biên chính sách”.
Khắc phục tình trạng sản xuất manh mún
Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,1 triệu tấn gạo, thu về hơn 4,1 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản thu về hơn 9 tỷ USD và còn nhiều ngành khác như cao su, gỗ… cũng thu về từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ USD. Những con số theo ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Những đóng góp quan trọng đó cho thấy chính sách đất đai nông nghiệp có những tính ưu việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền nông nghiệp cần sản xuất lớn, phát triển hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật cao thì chính sách đất đai nông nghiệp hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế.
Ông Bình phân tích, Luật Đất đai năm 1993 đã thực hiện giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân để sử dụng lâu dài. Luật Đất đai 2013 đã kế thừa và phát huy thêm những tính ưu việt của chính sách này. Tuy nhiên, chính sách giao đất trước đây là chia đều đất cho đến từng cá nhân trong hộ gia đình một cách công bằng. Trong khi đó, có đến 90% đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn quản lý, sử dụng. Mỗi gia đình, cá nhân chỉ sử dụng một diện tích đất nhỏ lẻ để sản xuất, do đó tính chất sản xuất nông nghiệp manh mún không phù hợp với yêu cầu sản xuất lớn hiện nay.
“Luật Đất đai 2024 cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp đa mục đích, cho phép những đối tượng không trực tiếp sản xuất được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, tăng hạn mức sử dụng đất… có nghĩa là cho phép những doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực tiếp cận, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất trên quy mô lớn, hiện đại. Vấn đề sản xuất manh mún như trước đây sẽ giải quyết”, ông Bình cho hay.
Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, có rất nhiều kỳ vọng cho những chính sách mới, đột phá liên quan đến đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024. Khi đi vào cuộc sống những kỳ vọng tạo ra động lực phát triển kinh tế, khai thác tối đa nguồn lực đất đai, xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến.
“Theo góc nhìn của tôi thì Luật Đất đai 2024 đã bảo vệ tốt quyền lợi cho người nông dân khi phải bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, luật sẽ nâng cao việc sử dụng đất theo hướng thị trường, hiện đại. Một số chế định rất quan trọng như mở rộng đối tượng chuyển nhượng đất lúa. Trước đây chỉ có những người sản xuất được chuyển nhượng cho nhau thì chỉ ở phạm vi rất nhỏ, nhưng nay mọi cá nhân, tổ chức có năng lực đều được nhận chuyển nhượng. Nếu như người ta nhận chuyển nhượng mà tổ chức bài bản hơn, hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn thì đất đai sẽ phát huy hết tiềm năng, giúp phát tiển nông nghiệp”, ông Tuấn nhận định.
Ông Đậu Anh Tuấn kỳ vọng rằng, chế định này sẽ có thể giúp nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá theo hướng xuất khẩu, hội nhập quốc tế. Thêm nữa, chế định này cũng sẽ huy động được thêm nhiều nguồn lực vào phát triển nông nghiệp.
Cần nhận diện nguy cơ “ngoại biên chính sách”
Nhiều kỳ vọng cho một nền nông nghiệp phát triển, hiện đại, hội nhập quốc tế thế nhưng câu chuyện triển khai thế nào, xây dựng chính sách ra sao sẽ là thách thức không nhỏ. Phó vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Văn Bình cho rằng, sẽ có nhiều vấn đề phải tính toán khi xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi thành luật. Phải lường trước các nguy cơ như đất nông nghiệp tập trung quá lớn vào trong tay một số người có điều kiện thì những người yếu thế ở nông thôn sẽ bị mất đất sản suất theo một cách nào đó. “Ví dụ như khi gặp khó khăn, người nông dân sẽ phải chuyển nhượng đất cho người có điều kiện. Như vậy, người nông dân sẽ mất tư liệu sản xuất, mất sinh kế từ đó sẽ nảy sinh bài toán an sinh xã hội. Lúc đó nhà nước sẽ lại phải tính toán chăm lo”, ông Bình lo ngại.
Cần phải nhận diện trước được các nguy cơ “ngoại biên chính sách”, đó cũng là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) khi thực hiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, đặc biệt liên quan đến đất nông nghiệp. PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, các quy định mới của Luật Đất đai 2024 đã thể chế hoá được Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng vì đã tháo gỡ được các điểm nghẽn về pháp lý và phát huy được nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế. Điểm đáng chú ý liên quan đến nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp đó là tăng giới hạn hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tích tụ tập trung đất đai.
“Chính sách pháp luật đất đai như thế sẽ kêu gọi được các nguồn lực bên ngoài đầu tư thông qua cho phép các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân không trực tiếp sản xuất được thực hiện chuyển nhượng sử dụng đất, thực hiện dự án. Tuy nhiên làm chính sách thì bao giờ cũng có mặt tích cực và mặt không mong muốn mà chúng tôi gọi là “ngoại biên của chính sách”. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhận diện nguy cơ này”, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nêu ý kiến. Nhận diện ngoại biên chính sách ở đây theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến là nếu thực thi chính sách không tốt sẽ tạo ra những hệ luỵ. Chẳng hạn nếu không có những văn bản quy định chi tiết thì có thể xảy ra trường hợp bao chiếm đất nông nghiệp của người nông nhân, người yếu thế sẽ không có đất. Thêm nữa, có thể xảy ra tình thu gom đất nông nghiệp sau đó phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp mà PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến lấy ví dụ điển hình như vụ án Alibaba mới xảy ra trong phía Nam gần đây.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Mai Phương cho rằng, các quy định liên quan đến đất nông nghiệp rất quan trọng và tác động rất lớn tới người dân, doanh nhiệp, cơ quan nhà nước. Theo bà Phương, các quy định dù có tốt đến mấy thì cũng có hai mặt hoặc thực hiện không tốt sẽ có tác động ngược. Do đó, quản lý và kiểm soát việc sử dụng đất nông nghiệp là vấn đề cần phải được tính toán khi luật đi vào cuộc sống. Vấn đề thách thức hiện nay là việc xây dựng các văn bản quy định thi hành luật đáp ứng tiêu chí kịp thời, đồng bộ.
Bà Nguyễn Mai Phương nhận định, thực tế hiện nay là có rất nhiều chính sách tốt ở trong luật nhưng khi đi xuống các văn bản nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành thì lại bị điều chỉnh và lệch hướng. Vì vậy, vấn đề xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời là quan trọng nhưng còn phải đồng bộ. Chẳng hạn như thông tư của Bộ Tài chính thì phải kịp thời và đồng bộ với thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…
“Xây dựng văn bản hướng dẫn là quan trọng nhưng quan trọng không kém là tổ chức thực hiện. Qua theo dõi tôi thấy có nhiều chính sách rất hay nhưng nhiều địa phương lại không làm hoặc vì lý do nào đó mà họ ngần ngại do đó luật đi vào cuộc sống rất chậm”, bà Phương nói.