Dòng người nối dài, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Năm, 25/07/2024, 18:39

Dù thông báo của Ban Tổ chức Lễ Quốc tang từ 18h nhân dân vào kính viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trước thời điểm đó, từng hàng người nối nhau kéo dài tưởng chừng như không dứt, không ai bảo ai tất cả đều lặng yên, thành kính tiến dần vào Nhà tang lễ Quốc gia để được viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Cơn mưa lớn bất chợt vào trưa 25/7 nhưng tại các vỉa hè trên những tuyến phố xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia ở số 5 Trần Thánh Tông, dòng người dân tập trung để chờ viếng đồng chí Tổng Bí thư vẫn mỗi lúc một thêm đông. Đứng dưới mưa lớn, những khuôn mặt khoắc khoải của nhân dân mong ngóng đến giờ vào viếng đồng chí Tổng Bí thư trong tâm trạng bồi hồi xúc động. Nước mắt nhiều người dân đã trộn lẫn trong cơn mưa, khóc thương trước sự mất mát lớn lao của đất nước và nhân dân.

Dòng người nối dài, yên lặng, nghẹn ngào, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Từng hàng người nối nhau kéo dài như vô tận tiến vào Nhà tang lễ Quốc gia để kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Từ 15h, thêm hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đổ về các ngã đường xung quanh Nhà tang lễ Quốc gia để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tại khu vực phố Lò Đúc giao Nguyễn Công Trứ, không ai bảo ai, dòng người mặc áo đen lặng lẽ xếp hàng ngay ngắn, buồn bã. Trời càng về chiều, dòng người mỗi lúc càng nối dài tưởng chừng như không dứt.

Đứng ở hàng đầu trong dòng người chờ viếng, bà Lê Thị Nhung năm nay 81 tuổi, nhà ở quận Đống Đa không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng sớm hôm nay, bà ra mua tờ báo in hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng thông tin về Lễ Quốc tang để đến Nhà tang lễ Quốc gia kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Đối với bà và những người thân trong gia đình, đồng chí Tổng Bí thư tưởng chừng như không phải là một lãnh đạo cấp cao mà như một người thân bởi sự gần gũi, giản dị, liêm khiết. Sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư khiến bà Nhung không khỏi đau buồn.

Dòng người nối dài, yên lặng, nghẹn ngào, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Trong dòng người tưởng chừng như bất tận ấy, có đông đủ lứa tuổi, ở mọi miền của Tổ quốc tề tựu về đây kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Còn cô Nguyễn Thị Thành, cựu chiến binh, thương binh trên mặt trận Quảng Trị đứng cạnh đó cũng bàng hoàng, xúc động khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần. Nói trong nước mắt, cô Nguyễn Thị Thành tâm sự, công lao của đồng chí Tổng Bí thư đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vô cùng lớn lao. Đồng chí Tổng Bí thư ra đi nhưng đã để lại muôn vàn niềm kính yêu của nhân dân.

Trong tâm trạng bồi hồi, thương tiếc trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Tạ Thị Lê cho biết mình đón xe buýt từ Kim Bảng, Hà Nam lên Hà Nội từ 6h. Khi lên đến nơi, bà đã hòa vào dòng người đứng đợi để đến giờ vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Dòng người nối dài, yên lặng, nghẹn ngào, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Ở bên ngoài, dòng người kiên nhẫn chờ đến lượt để vào kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư là người thương dân, yêu Đảng, làm việc tận tụy, quên mình, giản dị, gần gũi, hết lòng vì nhân dân phục vụ. Những buổi thời sự được xem bác trên ti vi, cảm thấy vô cùng xúc động, biết ơn đồng chí Tổng Bí thư. Khi nghe ti vi thông báo đồng chí Tổng Bí thư từ trần, trong nỗi xúc động trào dâng, bà Tạ Thị Lê đã viết bài thơ bày tỏ tấm lòng biết ơn, thương tiếc đối với đồng chí Tổng Bí thư.

Bài thơ với những dòng đơn sơ, giản dị và xúc động:

...Kính thưa bác Trọng hôm nay

Dân xin kính bác giãi bày niềm tin

Việc làm của bác chuyên cần

Giữ gìn đất nước cho dân đồng bào

Dân ta sung sướng tự hào

Có bác lãnh đạo phong trào tiến lên

Nước giàu dân mạnh vững bền…"

Đứng trầm ngâm trong dòng người chờ viếng, chị Nguyễn Thị Thu Ngân (37 tuổi, ở quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết, kể từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tâm trạng của chị lúc nào cũng “bồn chồn, thương xót”. Từ sáng sớm, chị Ngân đã thu xếp mọi công việc để cùng con trai 7 tuổi mặc áo in hình ảnh và những câu nói nổi tiếng của đồng chí Tổng Bí thư đến xếp hàng để vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.

Dòng người nối dài, yên lặng, nghẹn ngào, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Ở bên ngoài, dòng người mỗi lúc một thêm đông chờ đến lượt vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.

"Nhìn hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư, tôi cảm nhận như một người ông hiền từ trong gia đình. Tôi thương bác vì đến những giây phút cuối đời bác vẫn cống hiến cho dân, cho nước”- chị Ngân xúc động. Cũng theo chị Ngân, dù đồng chí Tổng Bí thư đã đi xa nhưng gia tài để lại cho nhân dân và đất nước rất lớn lao, vô cùng quý giá, đó là tấm gương sáng ngời về đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”.

"Tôi và rất nhiều người dân mong rằng các cấp lãnh đạo sẽ tiếp tục kế tục và làm rạng rỡ hơn những thành quả mà đồng chí Tổng Bí thư đã dày công xây dựng, để lại cho các thế hệ kế tiếp để xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp", chị Ngân nói.

Cũng như mẹ con chị Ngân, bà Thái Thị Thành, (76 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà vô cùng thương tiếc. Nói về công việc hiện tại, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thành cho biết, bà đang cùng với các đồng đội tham gia hỗ trợ các gia đình thương, bệnh binh trên địa bàn quận Hoàng Mai. Dù tuổi cao nhưng bà vẫn cố gắng làm những công việc có ích cho xã hội như lời đồng chí Tổng Bí thư căn dặn. 

Trở về từ Quảng Trị sau chuyến đi tri ân các anh hùng liệt sĩ, bà Thành nhanh chóng sắp xếp công việc, mặc bộ quân phục đến tập trung cùng dòng người ở gần Nhà tang lễ Quốc gia chờ tới lượt vào viếng Tổng Bí thư. "Cả một cuộc đời của bác đã vì dân, vì nước. Bác ra đi để lại niềm thương tiếc cho nhân dân Việt Nam. Là một cựu chiến binh đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi rất hiểu và kính trọng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu thương dân, trong đó tiêu biểu là bác Nguyễn Phú Trọng”- bác Thành xúc động nói.

Dòng người nối dài, lặng yên, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Hai người cựu binh già Đại tá Nguyễn Trọng Dân và Đại úy Lê Kinh Thông rủ nhau đến xếp hàng chờ đến giờ được vào Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư.

Bên ngoài chốt, trước hàng rào bảo vệ tuyến phố Tăng Bạt Hổ dẫn vào Nhà tang lễ Quốc gia, hàng ngàn người dân trật tự đứng xếp hàng, tay cầm CCCD đợi đến thời điểm được vào quét mã đăng ký vào viếng Tổng Bí thư theo quy định của Ban Tổ chức.

Đứng ngay hàng đầu tiên là hai người cựu chiến binh già Đại tá Nguyễn Trọng Dân và Đại úy Lê Kinh Thông. Cả hai ông từng là cựu sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là lớp đàn em cùng trường với Tổng Bí thư. Ông Dân là sinh viên Khoa Lý, còn ông Thông học Khoa Hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).

Dòng người nối dài, lặng yên, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Dù chiều nay trời Thủ đô bắt đầu trở nên nắng nóng, vẫn không ngăn được hàng ngàn người dân xếp hàng đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hai ông cho biết, năm 1969, đang sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nghe theo tiếng gọi lên đường chiến đấu chống Mỹ cứu nước của Tổ quốc, hai ông viết đơn tình nguyện lên đường, cả hai cùng nhập ngũ một ngày và cùng được phân về Binh chủng Tăng thiết giáp, đóng quân ở Quân khu IV. Sau ngày giải phóng, hai người trở lại Thủ đô tiếp tục học tập, rồi ra mỗi người một nghề. Ông Dân tiếp tục theo nghề binh nghiệp, làm giảng viên của Học viện Kĩ thuật quân sự, còn ông Thông chuyển ngành sang công tác ở Bộ Khoa học và công nghệ.

Dòng người nối dài, lặng yên, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Bà Vinh cùng con dâu dắt 2 cháu nội đến tận Nhà tang lễ Quốc gia để viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Biết thông tin 18h chiều nay (25/7) người dân sẽ được vào tận Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai người cựu binh già rủ nhau đến tận nơi để vào viếng Tổng Bí thư. Tâm nguyện được vào tận Nhà tang lễ Quốc gia tri ân, tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối không chỉ là sự yêu mến, kính trọng đối với một nhà lãnh đạo liêm chính, bản lĩnh, tài ba mà đó còn là lời chào tiễn biệt của những người em Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xưa đối với người anh khóa trước.

Hòa cùng hàng ngàn người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Phạm Thị Thuý, (60 tuổi, quê ở Phú Thọ), hiện đang sống cùng vợ chồng con gái ở phường Ngọc Khánh. Chiều nay, biết thông tin chiều nay sẽ được vào viếng Tổng Bí thư, bà Thúy chở cháu ngoại (5 tuổi) lên tận nơi xếp hàng đợi đến giờ đưa cháu cùng vào viếng.

Dòng người nối dài, lặng yên, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Cụ Trần Thị Nụ (81 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Xuân (75 tuổi) dắt tay nhau cùng đi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ở tận huyện ngoại thành Thanh Oai, cách Nhà tang lễ Quốc gia hơn 40 cây số, nhưng hai cụ bà Trần Thị Nụ (81 tuổi) và Nguyễn Thị Xuân (75 tuổi), rủ nhau bắt xe buýt đi từ 13h chiều lên khu vực Nhà tang lễ xếp hàng cho kịp giờ vào viếng. Hỗ trợ con dâu đỡ 2 đứa cháu nội, một cháu mới học lớp 2 và một bé mới 4 tuổi rời xe taxi, để hòa cùng dòng người xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Vinh (68 tuổi) cho biết, vừa tan giờ làm việc là con dâu đã vội về nhà, gọi taxi đón bà và 2 con lên Nhà tang lễ Quốc gia để kịp giờ vào viếng.

"Cũng may, mấy mẹ con, bà cháu chúng tôi đến đây rất kịp thời, vừa sát giờ chuẩn bị được vào viếng Tổng Bí thư" - bà Vinh chia sẻ.

Dòng người nối dài, lặng yên, thành kính vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -0
Anh Kim Min Yong, người Hàn Quốc cũng mang theo hộ chiếu hòa cùng hàng ngàn người dân Việt Nam xếp hàng chờ đợi đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong nhà tang lễ, những giọt nước mắt tiếc thương của nhân dân với đồng chí Tổng Bí thư tuôn rơi khi đi qua linh cữu đồng chí Tổng Bí thư.

Trời càng về muộn, dòng người ở muôn hướng mỗi lúc một thêm đông, cứ nối dài, nối dài thêm mãi, lặng yên, thành kính đi về phía Nhà tang lễ Quốc gia để kính viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam vẫn còn sống mãi trong lòng nhân dân.

Nhóm PV
.
.
.