Độc đáo bánh chưng làng Cát Trù

Thứ Tư, 31/01/2024, 14:21

Mỗi dịp Tết đến, bánh chưng là món không thể thiếu trong mâm cơm cúng của người Việt. Nói đến bánh chưng thì làng Cát Trù (Hùng Việt, Cẩm Khê, Phú Thọ) đã có tiếng từ thuở xa xưa với sự tích “bánh chưng, bánh dày” của hoàng tử Lang Liêu thời vua Hùng. Người làng Cát Trù luôn tự hào về nghề làm bánh chưng và mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng của họ đều được chọn để đưa vào mâm lễ dâng lên các Vua Hùng.

1.jpg -0
Để có một chiếc bánh chưng xanh vừa đẹp mắt vừa ngon thì nguyên liệu đầu tiên chính là lá rong. Người dân làng Cát Trù cho biết, lá dong phải chọn lá bánh tẻ bản to vừa, dày và cuống mỏng được trồng ở các tỉnh như Hà Giang, Yên Bái...
3.jpg -0
Đỗ xanh là nguyên liệu không thể thiếu của bánh chưng. Đỗ phải được rửa qua nhiều lần nước cho sạch vỏ, thường đỗ được ngâm từ 6 đến 7 tiếng. Tùy theo sở thích và thói quen, có người sẽ cho nhân đỗ sống vào gói cùng bánh nhưng cũng có người nấu nhân đỗ trước khi cho vào gói.
4.jpg -0
Thịt lợn thường là thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc nuôi tự nhiên không cám tăng trọng. Thịt được thái thành từng miếng rộng khoảng 2 – 3 đốt ngón tay, ướp gia vị cho đậm đà rồi gói cùng gạo nếp, nhân đỗ…
5.jpg -0
Gạo là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung trồng ở Thái Bình, Nam Định. Gạo vo thật kỹ trước một giờ, để ráo nước, không nên ngâm gạo lâu vì như vậy gạo sẽ bị nở, khó gói và làm chua bánh nhanh.
6.jpg -0
Mặc dù được gói thủ công bằng tay (không dùng khuôn) nhưng bánh chưng Cát Trù vẫn được du khách trong và ngoài tỉnh ưa thích vì ngon, dẻo và vuông vức, đẹp mã. Để chiếc bánh vuông đẹp, mịn, rền thì lúc gói phải làm sao đỗ trong gạo, gạo trong lá và gói chặt tay vừa độ.
7.jpg -0
Bà Nguyễn Thị Ảnh – Chủ một cơ sở làm bánh chưng nổi tiếng ở Cát Trù cho biết, từ ngày 15/12 âm lịch đến Tết Nguyên Đán, cơ sở phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình, người già chuẩn bị lá, gói bánh; trẻ con làm những việc nhẹ; người lớn làm việc nặng hơn.
8.jpg -0
Vào dịp Tết, các cơ sở làm bánh chưng ở Cát Trù đều phải thuê thêm nhân công cho kịp tiến độ sản xuất.
9.jpg -0
Bánh được nấu bằng bếp củi, mỗi nồi lớn có thể chứa được khoảng 300 chiếc bánh. Thời gian để bánh chín là khoảng 10 tiếng.
2.jpg -0
Đã có truyền thống trong công việc làm bánh chưng nên các khâu đều được căn thời gian rất chặt chẽ. Đơn cử như việc “canh” bánh được ghi chú rõ ràng, cụ thể ở mỗi cơ sở làm bánh ở Cát Trù. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất bánh chưng ở đây đều rất nhộn nhịp.
10.jpg -0
Ngoài bếp củi, các cơ sở ở Cát Trù còn nấu bánh bằng lò hơi điện. Mặc dù thời gian không giảm đi nhiều nhưng nấu bánh bằng nồi điện thường sẽ đều hơn, nấu bằng bếp củi sẽ luôn phải canh và mồi lửa.
11.jpg -0
Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, bánh chưng chỉ được ăn vào dịp lễ, Tết nhưng hiện nay, kinh tế khá giả, bánh chưng được người tiêu dùng sử dụng hàng ngày. Vì vậy, nghề làm bánh chưng Cát Trù có quanh năm, đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lại tăng cao và đây được coi là vụ sản xuất chính trong năm.
12.jpg -0
Tiêu chuẩn của chiếc bánh chưng Cát Trù phải có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà, lớp vỏ gạo cũng phải dẻo, mềm rền hạt, không nhão. Quá trình tạo nên sản phẩm kỳ công, đòi hỏi người gói có kỹ thuật, tâm huyết, thổi được hồn vào từng chiếc bánh.
Nguyễn Bình - Phong Sơn
.
.
.