Diện mạo mới của vùng đất cực Nam Trung bộ

Thứ Sáu, 01/04/2022, 08:36

Sau 30 năm, kể từ khi tái lập tỉnh,trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải (1/4/1992 – 1/4/2022), bằng sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã làm thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” ở phía cực Nam Trung bộ…

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi tái lập tỉnh là xuất phát điểm kinh tế quá thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ cán bộ chính quyền và các sở, ban, ngành cùng với nhân lực khoa học – kỹ thuật của tỉnh còn thiếu và yếu, công nghiệp, du lịch, dịch vụ…chưa phát triển.

Ninh Thuận “giàu nắng gió” chỉ có sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; nhưng hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, nguồn ngân sách của tỉnh những năm đầu “thu không đủ chi”, đời sống người dân thật sự khó khăn.

Tuy nhiên với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ thường xuyên, kịp thời của Trung ương gắn với nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi, kết hợp nỗ lực tích cực của địa phương, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, tranh thủ thời cơ, vận dụng kịp thời, linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, tạo ra nhiều bước đột phá có trọng tâm, trọng điểm để Ninh Thuận từng bước vượt qua khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng - an ninh.

ninh thuan.jpg -0
Dự án điện gió của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận.

Cũng theo ông Trần Quốc Nam, với tinh thần chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng kinh tế của địa phương, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI (2001-2010), kinh tế Ninh Thuận tăng trưởng dần lên, năm 2010 đạt 8.833 tỷ đồng, tăng 5,7 lần so với năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 8,31%.

Và sau 30 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo nhất nước, kinh tếNinh Thuận tăng trưởng khá dần mà nổi bật nhất là 10 năm gần đây, đặc biệt trong 3 năm (2019-2021), Ninh Thuận nằm trong nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất nước. Quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt 40.777 tỷ đồng, tăng 4,61 lần so với năm 2010, bình quân mỗi năm tăng 9,14%.

Tổng mức đầu tư toàn xã hội từ 67,8 tỷ đồng tăng lên 29.920 tỷ đồng trong năm 2021, bình quân mỗi năm tang 23,4%. Nguồn thu ngân sách tăng từ 33,3 tỷ đồng tăng lên 4.343 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người từ 1,37 triệu đồng tăng lên 68,4 triệu đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 67,8 tỷ đồng, lên 29.920 tỷ đồng.

“Nhiều tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, nổi bật là kinh tế biển và năng lượng tái tạo được khai thác kịp thời, hiệu quả, môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện rõ nét, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ, nhiều khu đô thị mới hình thành…Các hoạt động văn hóa – xã hội từ giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ cho đến y tế đều được chú trọng đầu tư phát triển; quốc phòng - an ninh luôn được giữ vững ổn định…

Ba điểm nhấn góp phần để Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển KT-XH trong những năm gần đây; đó là quy hoạch phát triển với tầm nhìn chiến lược lâu dài hạn,tư duy mới. Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong nước kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê Tập đoàn Monitor - Mỹ, Arup - Anh xác lập quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH địa phương đến năm 2020 với 4 nhóm ngành cơ bản, gồm năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm - thủy sản, công nghiệp và 2 nhóm ngành phụ trợ là xây dựng và kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận chủ động điều chỉnh phát triển nhà máy điện hạt nhân sang năng lượng tái tạo phù hợp định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nhiều tuyến giao thông trọng điểm đã được kết nối tạo động lực phát triển, nhiều dự án thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nâng cao năng lực tưới tiêu, cung cấp nguồn nước sinh hoạt…phát triển nông nghiệp – nông thôn.

Định hướng phát triển công nghiệp năng lượng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnhnhững năm gần đây. Đặc biệt là Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ đã giúp cho Ninh Thuận biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đến cuối năm 2021, Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.055,6MW, cung cấp6.408 triệu Kwh điện trong năm, tạo giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng,  góp vào nguồn tăng trưởng GRDP của tỉnh 6,84%.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận tập trung triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư, cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng và minh bạch. Năm 1994 Ninh Thuận chỉ có 1 dự án FDI đầu tư 24,5 tỷ đồng, đến nay thu hút 35 dự án đầu tư 26.500 tỷ đồng, ngoài ra còn có 396 dự án trong nước đầu tư 161.000 tỷ đồng, trong đó có 307 dự án đã hoạt động…

Ông Trần Quốc Nam khẳng định: Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng với những thành tựu đạt được sau 30 tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt khó, tiếp tục tạo sự chuyển biến mới trong phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng – an ninh để hướng đến tầm nhìn chiến lược giai đoạn mới với mục tiêu xây dựng “Ninh Thuận – vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt”. Ninh Thuận hướng đến mục tiêu giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm 10,84%, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người 200 triệu đồng…

Hữu Toàn
.
.
.