Dịch “đen mang” khiến người nuôi tôm lao đao

Thứ Năm, 18/11/2021, 09:40

Những ngày giữa tháng 11/2021, hàng trăm hồ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng ven biển dọc theo các xã của huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi hàng chục tỷ đồng.

Có mặt tại xã Phong Hải (Phong Điền), chúng tôi ghi nhận, nhiều hồ tôm được phủ kín bạc, xơ xác, vắng bóng người. Những năm trước, thời điểm này người dân tập trung chăm sóc tôm để chờ bán cho thị trường Tết nhưng năm nay thì hoàn toàn khác.

Ông Võ Thanh ở thôn Hải Thế, cho hay, các đợt mưa lớn liên tục thời gian qua khiến tôm nuôi tại 2 hồ của ông, cũng như nhiều ao hồ trên cát ven biển các xã Phong Hải, Điền Hoà, Điền Lộc… chết hàng loạt. Ông Thanh nhẩm tính, với 2 hồ nuôi 6.000m2, chí phí con giống, thức ăn, thuốc men, công chăm sóc… hơn 1 tháng ước trên 500 triệu đồng, tương ứng với giá trị thiệt hại khi số tôm nuôi chết hoàn toàn.

Tương tự, sau vụ nuôi thứ nhất trong năm 2021 rơi vào cảnh khó khăn do thương phẩm tôm thẻ chân trắng khó tiêu thụ, giảm giá bán vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 lan rộng, ông Nguyễn Thơ (ở xã Phong Hải) đặt hy vọng vào vụ tôm thứ hai thu hoạch trúng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022. Tuy nhiên, những ngày qua, tôm vụ Tết nuôi tại 2 khu ao rộng khoảng 3.000m2 của gia đình đồng loạt chết do mắc loại bệnh có tên là “đen mang”.

Điều đáng nói, loại dịch bệnh này lây lan rất nhanh, khiến tôm thả nuôi mới 20 ngày tuổi chết hàng loạt, vớt đi xử lý tiêu hủy không xuể. Chỉ trong thời gian ngắn, hộ ông Thơ mất trắng hơn 500 triệu đồng do tôm chết bệnh… Tương tự, các hộ nuôi tôm tại xã Phong Hải cũng dính dịch bệnh, có hộ chịu thiệt hại nặng lên đến cả tỷ đồng…

Theo ông Hoàng Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, toàn xã có đến 60% ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng hơn 1 tháng tuổi bị chết hoàn toàn. Bình quân mỗi hộ nuôi mất trắng từ 400-500 triệu đồng. Tổng thiệt hại 40 khu ao hồ có tôm nuôi bị chết, khoảng 20 tỷ đồng. “Đây là lần đầu tiên, tại địa phương có lượng tôm nuôi chết nhiều, dù người dân rất có kinh nghiệm nuôi tôm. Tôm chết do mắc bệnh đen mang gây thiệt hại quá lớn. Loại bệnh rất khó chữa trị, lại lây lan rất nhanh so với bệnh vàng mang hay bệnh gan trên tôm nuôi”, ông Sửu nói. Ngoài xã Phong Hải, các xã còn lại ở vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền cũng có nhiều hồ tôm bị chết.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin thêm, toàn huyện có khoảng 50% diện tích ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát bị chết, cho thấy môi trường vụ nuôi này khá phức tạp, khó lường. Còn ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh thì đưa ra nhận định, các đợt mưa lớn trên diện rộng, dài ngày làm môi trường nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, đầm phá có sự thay đổi lớn, chỉ tiêu độ mặn đều ở ngưỡng thấp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thủy sản nuôi nước lợ, mặn.

Qua trao đổi, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho hay, tôm nuôi tại huyện bị chết hàng loạt được xác định mắc bệnh “đen mang”. Qua lấy mẫu kiểm tra và nhận định ban đầu, nguyên nhân là do yếu tố môi trường nuôi thay đổi, kết hợp với việc xả nước từ ao hồ có tôm chết trực tiếp ra môi trường, dẫn đến lây lan bệnh và gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

UBND huyện Phong Điền đã đề nghị Phòng NN&PTNT phối hợp Chi cục Thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên-Huế thường xuyên hỗ trợ theo dõi diễn biến dịch bệnh, hướng dẫn người dân quy trình xử lý nguồn nước; đồng thời, hỗ trợ nhiều tấn hóa chất Cloramin-B để tiêu độc, khử khuẩn ao hồ nuôi. Chi cục Thuỷ sản yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc xả thải của người dân, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng trong giữ gìn môi trường chung.

Hải Lan

.
.
.