Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân

Thứ Bảy, 16/07/2022, 08:45

Ngày 15/7, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, sau 6 năm, kết quả quan trọng nhất mà Ban làm được đó là, vấn đề quản lý ATTP tại TP đã được tập trung một đầu mối, làm tăng sức mạnh, có đủ lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Trong 6 năm qua, Ban đã tập trung công việc cho xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, nâng cao nhận thức của người dân, của doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Tuy nhiên, TP vẫn xảy ra ngộ độc thực phẩm (NĐTP) nhưng đã giảm hẳn là một điều rất mừng.

Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân -0
Việc thông tin những thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap… cho người dân vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa

Theo nhận định của đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, với sự điều hành, quản lý của Ban Quản lý ATTP trong 6 năm qua, số vụ NĐTP giảm 30% và số vụ NĐTP tập thể trên 30 người giảm trên 92%, số người NĐTP giảm trên 85%. Điều này cho thấy hiệu quả của sự phối hợp các ban, ngành trong công tác quản lý ATTP, trong đó có vai trò của Ban Quản lý ATTP.

Tuy nhiên, nhìn nhận về những vấn đề còn tồn tại, theo đại diện của UBMTTQ Việt Nam cho biết, tài liệu tuyên truyền về ATTP của thành phố chưa được đầu tư nhiều, chưa đa dạng về hình ảnh, màu sắc, người dân tiếp nhận các nội dung tuyên truyền còn thờ ơ, chưa ý thức về tầm quan trọng ATTP đối với sức khỏe bản thân và gia đình. Nhất là một số người kinh doanh thức ăn đường phố ít quan tâm đến công tác tuyên truyền về ATTP; tâm lý mua hàng rong ở những nơi thuận tiện, giá rẻ còn phổ biến. Trong khi đó, việc thông tin những thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap… cho người dân vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, việc xử lý hành chính đối với loại hình kinh doanh thực phẩm không có giấy đăng ký kinh doanh cũng như kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở. Đặc biệt, lực lượng kiểm tra liên ngành ATTP cấp phường, xã còn quá mỏng, chưa quản lý hết các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Tại các chợ truyền thống, nhất là các điểm kinh doanh tự phát xung quanh chợ, hay trong các khu dân cư vẫn còn một số sản phẩm, thực phẩm lưu thông không đảm bảo an toàn, chưa rõ nguồn gốc, nhưng khó thu hồi, xử lý tận gốc.

Cũng theo bà Phong Lan, công tác thanh tra, xử lý về vi phạm ATTP đòi hỏi sự đồng thuận, hỗ trợ của các ban, ngành như Công an, QLTT… để đảm bảo an toàn cho mâm cơm của người dân. Trong đó hiện nay rất cần nâng cao năng lực của Thanh tra nhằm nêu cao tính răn đe với các hành vi vi phạm. Công tác quản lý ATTP rất coi trọng việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm.

Việc thành lập Ban quản lý ATTP trong 6 năm qua đã tạo điều kiện ký kết với các tỉnh, thành bạn trong việc quản lý thực phẩm từ nguồn. Tại TP Hồ Chí Minh, 80-90% nguồn thực phẩm phải nhập từ tỉnh và từ nhiều nơi khác. Do vậy, nhờ có sự liên kết này mà việc kiểm tra thực phẩm lưu thông giữa TP với các tỉnh dễ dàng. Điều này giúp cho các tỉnh xây dựng được các mặt hàng uy tín, có thương hiệu trên thị trường. Đây là thành công của việc ra đời Ban QLATTP.

Huyền Nga
.
.
.