Đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ

Thứ Sáu, 29/10/2021, 09:20

Quảng Nam hiện có 24 công trình thủy điện với tổng công suất gần 1.469MW đã đưa vào vận hành, gồm 10 công trình thủy điện bậc thang, 14 dự án thủy điện vừa và nhỏ. Để đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các thiếu sót của đơn vị vận hành công trình thủy điện.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành thủy điện thực hiện nghiêm các quy định về vận hành cắt lũ, điều tiết lũ cho vùng hạ du.

Theo ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, qua công tác sàng lọc, đến nay trong quy hoạch hệ thống thủy điện tại tỉnh Quảng Nam có 40 dự án với tổng công suất hơn 1.752MW, điện lượng bình quân khoảng 6.350 triệu kWh/năm, trong đó có 10 dự án thủy điện bậc thang với tổng công suất 1.205MW, 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất gần 547,56MW. Hiện nay, số công trình thủy điện tại Quảng Nam đã đi vào vận hành là 24 công trình với tổng công suất gần 1.469MW, gồm 10 công trình thủy điện bậc thang, 14 thủy điện vừa và nhỏ.

thuy-dien.jpg -0
Thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) vận hành xả lũ.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (nằm trên thượng nguồn sông Tranh thuộc hệ thống sông Thu Bồn, thuộc địa bàn 2 huyện Bắc Trà My, Nam Trà My) là một trong 4 thủy điện có hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Nam với dung tích hơn 730 triệu m3 nước. Nhà máy có 2 tổ máy, lần lượt hòa lưới điện vào ngày 19/12/2010 và 27/1/2011.

Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, Vũ Đức Toàn cho biết, từ khi đưa vào vận hành đến nay, ngoài việc phát điện cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia, thủy điện Sông Tranh 2 còn điều tiết, cắt giảm lũ vào mùa mưa lũ và cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất, đẩy mặn cho các địa phương vùng hạ du nhà máy.

Để đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, trước khi vào mùa mưa lũ hằng năm, công ty đã tổ chức tổng kiểm tra các trang thiết bị, các hạng mục công trình Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 theo đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn ban hành kèm theo quyết định ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Toàn cho biết.

Tại đợt tổng kiểm tra năm 2021, Công ty Thủy điện Sông Tranh xác định, các hạng mục tại công trình hồ chứa, đập thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo tuyệt đối an toàn, không xuất hiện dòng thấm qua hạ lưu đập. Các công trình phục vụ vận hành điều tiết hồ chứa như nhà dầu, nhà trực vận hành đảm bảo an toàn khi mưa, bão. Qua 4 cơn lũ đầu mùa mưa năm 2021, tổng lượng nước lũ về hồ là 424,39 triệu m3, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đã giữ lại trong hồ để cắt lũ và giảm lũ cho hạ du với tổng lượng nước là 366,72 triệu m3, lượng nước còn lại xả về hạ du qua tổ máy phát điện và dòng chảy môi trường.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo an toàn và giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại cho vùng hạ du, khi điều tiết xả tràn hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, Công ty Thủy điện Sông Tranh tiến hành thông báo gửi đến các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân qua các phương tiện như Fax, email, tin nhắn, Zalo, điện thoại trực tiếp; thông báo qua loa phóng thanh của đài truyền thanh các địa phương, kéo còi hụ tại đập tràn; thông báo qua hệ thống cảnh báo lũ từ xa gồm 6 trạm được lắp đặt tại 3 huyện hạ du (1 trạm tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước; 1 trạm tại xã Hiệp Hòa và 1 trạm tại thị trấn Tân An, huyện Hiệp Đức; 1 trạm tại xã Quế Trung, 1 trạm tại xã Quế Lâm, 1 trạm tại xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn).

Ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, để đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa, đập thủy điện trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa lũ, được sự ủy quyền của UBND tỉnh Quảng Nam, Sở đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành lĩnh vực an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Qua kiểm tra cho thấy, các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã cơ bản thực hiện đúng các yêu cầu, trách nhiệm về công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo quy định hiện hành. Các chủ sở hữu công trình thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp; xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan; thực hiện trách nhiệm cảnh báo, thông báo, thông tin, cung cấp thông tin vận hành phát điện, điều tiết lũ các hồ chứa thủy điện. Các công trình thủy điện đã tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên kiểm tra tình trạng công trình, tình trạng hoạt động các máy móc, thiết bị, thiết bị dự phòng cho công tác vận hành đập khi có dự báo xuất hiện các tình huống mưa, lũ.

Qua kiểm tra hiện trường, số liệu quan trắc đập cũng như vận hành thử một số máy móc, thiết bị (cửa van đập tràn, máy phát điện, còi cảnh báo…), đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Nam đánh giá tình trạng các đập, hồ chứa và các thiết bị vận hành ở trạng thái bình thường. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như một số chủ sở hữu tổ chức thực hiện rà soát, điều chỉnh, trình phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện chưa kịp thời, đảm bảo theo quy định (thủy điện Đăk Mi 4a, Đăk Mi 4b, Sông Bung 5, Đăk Mi 3, Đăk Mi 4c, Sông Bung 4A, A Vương 3, Trà Linh 3, An Điềm II, Đăk Sa); một số công trình chưa bố trí các trang thiết bị họp trực tuyến tại khu vực nhà máy và hồ chứa để phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành trong mùa mưa bão theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Do đó, Sở Công Thương đề nghị các chủ đập, hồ chứa thủy điện khẩn trương khắc phục các tồn tại.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, công tác theo dõi, giám sát vận hành các hồ thủy điện trong mùa mưa lũ được thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ huy tổ chức trực ban, thường xuyên theo dõi, giám sát thông tin vận hành các hồ chứa thủy điện bằng website và camera.

Theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 quy định trách nhiệm, thẩm quyền quyết định vận hành các hồ trong mùa lũ thì đối với việc thực hiện chế độ vận hành giảm lũ cho hạ du do Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam quyết định. Trường hợp thực hiện chế độ vận hành trong tình huống bất thường do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định. Còn việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình, vận hành trong điều kiện bình thường và vận hành tích nước cuối mùa lũ do giám đốc hoặc thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, vận hành hồ thủy điện quyết định.

Ngọc Thi
.
.
.