Dai dẳng nỗi lo sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Sáu, 21/06/2024, 06:59

Thời điểm đầu mùa mưa, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) càng gia tăng và nghiêm trọng. Nhiều vụ sạt lở gây thiệt hại nặng nề về tài sản, đe dọa tính mạng người dân.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Măng Thít đoạn thuộc ấp Gò Ân (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm). Khu vực sạt lở từ vàm rạch Gò Ân đến giáp Doanh nghiệp tư nhân Vật liệu xây dựng Phước Hùng có chiều dài 265m. Cũng trên tuyến sông Măng Thít đoạn qua xã Tân Long Hội (huyện Mang Thít), vào ngày 6/6 đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 38m, gây ảnh hưởng tới 2 căn nhà và tuyến đường giao thông nông thôn.

Dai dẳng nỗi lo sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long -0
Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Bình Thủy (TP Cần Thơ) ảnh hưởng đến 10 căn nhà của người dân.

Những ngày qua, người dân sống ở khu vực ấp Hưng Hòa (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) lo lắng khi tuyến đường đê bao cồn Ông xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến đường giao thông nông thôn. Điểm sạt lở, sụt lún nằm đối diện với khu vực khai thác cát của doanh nghiệp. Đây là mỏ cát được UBND tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù cho Công ty TNHH Xây dựng công trình và thương mại Hoàng Anh trực tiếp khai thác, cung ứng cho công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Sau gần 4 tháng khai thác, phía bờ thuộc xã Tân Khánh Trung xuất hiện điểm sạt lở nên mỏ cát tạm ngưng khai thác. Công ty đã làm lại mặt đường, trả lại hiện trạng ban đầu và nuôi lục bình (bèo tây) để làm kè mềm chắn sóng phía dưới nước. Đến nay việc gia cố, sửa chữa đoạn đường bị sạt lở cơ bản đã hoàn thành.

Các Sở Xây dựng, NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường và huyện Lấp Vò đã có cuộc họp về việc giám định nguyên nhân sự cố sạt lở, sụt lún bờ sông gần khu vực khai thác cát. Các đơn vị thống nhất đề nghị thuê đơn vị tư vấn độc lập khảo sát, đánh giá tổng thể khu vực để có phương án khắc phục hiệu quả, giúp công trình ổn định lâu dài. Các phòng chuyên môn của huyện Lấp Vò và xã Tân Khánh Trung theo dõi diễn biến tình hình sạt lở bờ sông để kịp thời báo cáo, xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Cổ Chiên đoạn thuộc khu vực ấp Bà Trầm (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành). Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tình hình sạt lở không chỉ xuất hiện trong mùa mưa bão mà còn xảy ra trong cả mùa khô. Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, đầu tư các công trình phòng chống sạt lở, xây kè, đê bảo vệ các đoạn xung yếu, triển khai các dự án chống xói lở, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển…

Dai dẳng nỗi lo sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long -0
Sạt lở bờ sông Cái Sắn ăn sâu vào quốc lộ 80, đoạn qua phường Thới Thuận (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ).

Tỉnh Trà Vinh có 48 điểm, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 214km cần khắc phục khẩn cấp. Trong đó có 44 khu vực sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 200km, ước kinh phí khắc phục khoảng 4.325 tỷ đồng, 4 khu vực sạt lở bờ biển tổng chiều dài hơn 15km, ước kinh phí khắc phục khoảng 1.518 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin, nguồn lực của địa phương hạn chế nên tỉnh đã có văn bản kiến nghị bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn khắc phục sự cố sạt lở.

Tại Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 12 vụ sạt lở, sụt lún bờ sông, kênh rạch. Đặc biệt, trong thời gian chuyển mùa vào đầu mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 5/2024), đã xảy ra 10 vụ sạt lở, ảnh hưởng hơn 20 căn nhà và một kho gạo, gây thiệt hại tài sản trên 12 tỷ đồng. Điển hình vào sáng 31/5, vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến sông Bình Thủy đoạn qua khu vực Bình Yên A (phường Long Hòa, quận Bình Thuỷ) có chiều dài khoảng 70m, ăn sâu vào bờ 8m, gây ảnh hưởng đến 10 căn nhà của người dân.

Trước đó, vào sáng 30/5 tại bờ sông Cái Sắn thuộc khu vực Thới Hòa 2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) đã xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 41m, ăn sâu vào mặt đường nhựa của quốc lộ 80. Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, những năm qua, tuyến sông Bình Thủy và Cái Sắn đã từng bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng, bởi dòng chảy xiết, nhiều phương tiện giao thông thủy lưu thông. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN đã báo cáo UBND TP Cần Thơ và đề xuất bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng các tuyến kè chống sạt lở để bảo vệ nhà cửa, tài sản của người dân cũng như các công trình ven sông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN, đối với các dự án, công trình khắc phục sạt lở đã có kế hoạch đầu tư thực hiện, các sở, ngành chức năng thành phố sớm hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện theo kế hoạch. Các địa phương thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ đơn vị thi công các công trình phòng, chống sạt lở đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời gia cố đê bao, đường giao thông, khu dân cư có nguy cơ sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. 

Văn Vĩnh
.
.
.