Công an Hà Nội nêu "nguyên tắc vàng" phòng, chống cháy nổ kho, nhà xưởng
Ngày 3/5, Công an TP Hà Nội đã đưa ra cảnh báo cũng như hạn chế rủi ro cháy, nổ kho, xưởng hàng hóa… các cơ sở kinh doanh, cần nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về PCCC, đặc biệt mùa nắng nóng tới.
Liên tục xảy cháy
Liên tục trong những ngày gần đây, nhiều vụ cháy kho, xưởng xảy tra trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước gây thiệt hại lớn về tài sản. Vào khoảng 4h13 phút ngày 1/5, vụ hoả hoạn xảy ra tại xưởng sản xuất gỗ dán của Công ty TNHH Hải Nam, có địa chỉ tại thôn Yên Viên, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, (Hà Nội). Để khống chế được ngọn lửa, lực lượng chức năng đã rất tích cực vừa chữa cháy, vừa tập trung ngăn cháy lan sang các khu vực nhà xưởng và nhà dân lân cận.
Kết quả công tác chữa cháy đã bảo vệ được trên 2.200m2/ tổng số 3.000m2 nhà xưởng của cơ sở xảy ra cháy, đồng thời ngăn chặn không để cháy lan sang 2 nhà xưởng (thuộc Công ty CP viễn thông điện tử Vinacap, Công ty CP cáp quang Việt Nam) và các nhà dân lân cận.
Tiếp đến, vào 8h31’ ngày 2/5, một vụ xảy cháy tại nhà dân chứa chăn ga gối đệm tại Đội 7 xã Tiền Phong, Thường Tín (Hà Nội). Diện tích cháy khoảng 300m2 của 4 hộ liền kề là nhà ở kết hợp kinh doanh và sản xuất chăn, ga, gối, đệm. Sau gần 2 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng mới không chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Tương tự, vào hồi 6h34’ ngày 2/5 xảy ra vụ cháy tại nhà xưởng E11 thuộc Công ty TNHH EMW Việt Nam ở KCN Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đến khoảng 7h cùng ngày, đám cháy được lực lượng chức năng dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy làm hư hỏng 100 m2 trần nhà xưởng, một tháp giải nhiệt, hút mùi và một phần dây chuyền sản xuất.
Mặc dù cả 3 vụ cháy nêu trên rất may không gây thiệt hại về người nhưng đều là những vụ cháy lớn tại các nhà kho, xưởng, KCN… nguy cơ cháy lan cao, gây thiệt hại về tài sản.
Những nguyên tắc “vàng” về phòng cháy
Trước nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn và ngày càng phức tạp tiếp tục gióng lên hồi chuông về việc mất an toàn PCCC, ngày 3/5, Công an TP Hà Nội đã đưa ra cảnh báo cũng như hạn chế rủi ro cháy, nổ kho, xưởng hàng hóa… các cơ sở kinh doanh, cần nắm vững và chấp hành nghiêm quy định về PCCC.
Theo đó, Công an TP Hà Nội nêu ra hàng loạt cảnh báo, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho hàng cần tuân thủ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-7-2014 về quy định PCCC kho bãi tại Việt Nam.
Cụ thể, người đứng đầu cơ sở cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt các quy định của Pháp luật về PCCC; Có niêm yết nội quy PCCC biển cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
Trước khi tiến hành công việc, người đứng đầu phải thực hiện kiểm tra an toàn PCCC tại nơi làm việc, nơi sản xuất do mình đảm nhiệm, nếu phát hiện có dấu hiệu mất an toàn về cháy nổ phải tìm mọi cách để khắc phục và báo ngay người quản lý trực tiếp biết.
Sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu nhất là các chất đặc biệt nguy hiểm về cháy, nổ như: Xăng, dầu, khí cháy thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định; Hàng hoá trong kho phải được sắp xếp theo đúng quy định an toàn PCCC.
Lắp đặt thiết bị bảo vệ (Aptomat) cho hệ thống điện toàn cơ sở, từng khu vực, phân xưởng và các thiết bị điện có công suất lớn, tách riêng các nguồn điện: chiếu sáng, phục vụ thoát nạn, chữa cháy, sản xuất… Nghiêm cấm các hành vi tự ý: Câu mắc, dùng dây dẫn điện cắm trực tiếp vào ổ điện.
Khi tiến hành hàn, cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy, di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn, cắt (tối thiểu là 10m); không để vảy hàn tiếp xúc với các vật dễ cháy, phải cử người trông coi thường xuyên trong suốt quá trình hàn, cắt. Chỉ sử dụng các thiết bị, dụng cụ hàn, cắt đảm bảo an toàn PCCC…
Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho cả công trình, từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.
Thành lập lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành. Mỗi bộ phận, phân xưởng, ca làm việc có tổ hoặc có người tham gia Đội PCCC cơ sở. Bố trí lực lượng thường trực chữa cháy 24/24 giờ và bảo đảm điều kiện chữa cháy tại chỗ.
Cần trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực sản xuất.
Khi xảy ra cháy, báo động cho mọi người xung quanh biết, bằng cách hô to, đánh kẻng báo động, nhấn chuông báo cháy… Gọi điện cho Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 hoặc Đội dân phòng, chính quyền, Công an phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy.