Còn nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh lao động

Chủ Nhật, 28/04/2024, 07:19

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Còn nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh lao động -0
TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.

PV: Chỉ trong tháng 4 này đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng là sập hầm mỏ ở Quảng Ninh khiến 4 người thiệt mạng và vừa qua là vụ việc ở Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Hay mới đầu tháng 3 vừa qua, 6 người đã tử vong trong số nhiều công nhân bị bụi phổi ở Nghệ An. Đây là những bài học, những lời cảnh tỉnh về an toàn lao động. Theo ông, tại sao tai nạn lao động vẫn xảy ra nhiều như thế?

TS Nguyễn Anh Thơ: Những năm qua, quy mô nền kinh tế tăng lên nhiều lần và thị trường lao động cũng tăng theo. Nhiều ngành nghề sản xuất cũng phát triển, số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các nguy cơ tai nạn lao động cũng tăng lên. Người lao động ngày càng tiếp xúc với nhiều yếu tố nguy hiểm hơn trong an toàn lao động, môi trường lao động. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải có các giải pháp để đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất. Phải nói pháp luật lao động của chúng ta cũng đang ngày càng được hoàn thiện với những quy định rất chặt chẽ như trong bộ Luật Lao động có tới 93 điều về vấn đề này, cùng với đó còn có các quy chuẩn quốc gia, các quy định hướng dẫn của các cơ quan chức năng, bộ ngành…

Qua thống kê về tai nạn lao động trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta có thể thấy, số vụ tai nạn lao động, số người bị nạn, số người chết có dấu hiệu chững lại về mặt số liệu tuyệt đối. Hằng năm cứ trung bình khoảng hơn 7.000 vụ, khoảng 700 người chết. Tuy nhiên, quy mô thị trường lao động ngày càng tăng với khoảng 1,3 triệu lao động/năm, như thế có nghĩa tần suất tai nạn lao động cũng có giảm so với tốc độ tăng của quy mô thị trường lao động. Một số ngành, lĩnh vực tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra rất nhiều cũng đã được kiềm chế ví dụ như: Ngành Điện lực trước tần suất lớn nhưng hiện nay số lượng người chết do tại nạn lao động đã giảm xuống dưới 10 người/năm; ngành than khoáng sản trước trung bình khoảng 35 - 40 người chết/100.000 lao động/năm thì nay dù vẫn còn cao nhưng đã giảm xuống dưới 20 người chết/năm; ngành xi măng cũng đã giảm mạnh và hầu như ít tai nạn lớn. Nhưng những lĩnh vực khác thì thời gian qua lại rất căng thẳng, xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: lĩnh vực xây dựng, chế biến sản xuất vật liệu xây dựng.

Các con số thống kê về tai nạn lao động nói lên rằng, tai nạn lao động hiện nay không chỉ còn là các nguy cơ tiềm ẩn mà đang rất thường trực. Nguyên nhân theo tôi ở đây là các nhà máy được xây dựng và đưa vào sử dụng đã lâu trong quá trình dài đẩy mạnh phát triển kinh tế, hiện nay các công nghệ, hệ thống quản lý, cách thức quản lý, tư duy quản trị đó đã bắt đầu xuất hiện các lỗi, không phù hợp với yêu cầu sản xuất trong tình hình mới hiện nay. Cùng với đó là quản lý nhà nước cũng còn nhiều vấn đề, ý thức chấp hành của doanh nghiệp, người lao động vẫn còn rất nhiều điều đáng nói.

Còn nhiều hạn chế về an toàn vệ sinh lao động -0
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động mang tính quyết định để bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người lao động.

PV: Việc huấn luyện và an toàn vận hành trong các nhà máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, theo ông có tầm quan trọng như thế nào?

TS Nguyễn Anh Thơ: Huấn luyện an toàn lao động mang tính quyết định. Nhưng nhìn từ vụ việc xảy ra ở Yên Bái vừa qua hay các vụ đã xảy ra trong năm nay, chúng ta thấy rất nhiều vấn đề từ quản lý nhà nước, cho đến cách thức triển khai trong doanh nghiệp. Nhìn vào hiện trường và qua các thông tin, theo quan điểm của riêng tôi thì doanh nghiệp chưa tổ chức được các giải pháp sản xuất, an toàn lao động, bảo trì bảo dưỡng. Khi xảy ra tai nạn thì các quy trình bảo đảm an toàn chưa thấy xuất hiện ở đây. Pháp luật hiện nay quy định rất chặt chẽ về an toàn làm việc trong chế biến đá, làm việc trong không gian kín thì lao động làm việc này phải được huấn luyện thành thục và có tổ chức giám sát. Bắt buộc phải có giám sát an toàn, bắt buộc phải có phương án cứu hộ. Hệ thống công nghệ đó phải có biển báo, rào chắn, quy trình nghiêm ngặt. Theo quy chuẩn là phải vậy. Trong vụ việc này có thể thấy rằng, công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cần phải được kiểm tra, làm rõ. Yếu tố lỗi do con người cần được xem xét ở đây, từ chủ doanh nghiệp đến đơn vị huấn luyện, người lao động...

Qua vụ việc này, chúng ta cần phải nói về câu chuyện doanh nghiệp không được tư duy làm cho có các quy định bảo đảm an toàn theo kiểu đối phó mà phải chủ động trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Quy định của pháp luật là tối thiểu, còn doanh nghiệp phải đề ra các quy chuẩn có thể còn cao hơn các quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tôi còn muốn nói đến một vấn đề khác là quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hiện nhiều chủ doanh nghiệp ít quan tâm đến người lao động mà chỉ quan tâm vào tiến độ, hiệu quả của công trình, dự án mà coi nhẹ các vấn đề khác, trong đó có việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Chủ sử dụng lao động phải xác định người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, là vốn quý của doanh nghiệp. Nếu không có những lao động trực tiếp sản xuất thì làm sao mà những ông chủ giàu có, thịnh vượng được. Doanh nghiệp cần có ý thức trong việc bảo hộ, trang bị an toàn, quan tâm đến người lao động. Minh chứng cho việc này thấy rất rõ qua vụ việc mà cả trăm lao động ở Nghệ An bị bụi phổi, trong đó 6 người lao động đã chết mà chúng ta có nhắc ở trên.

PV: Ông vừa nói về ý thức của doanh nghiệp trong an toàn vệ sinh lao động. Dưới góc nhìn của ông, ông đánh giá thế nào về việc thực thi pháp luật an toàn lao động hiện nay?

TS Nguyễn Anh Thơ: Ý thức về thực hiện, thực thi các quy định về an toàn lao động cũng thời gian qua của các doanh nghiệp phải nói là đã có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, sau những vụ việc để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như ở Yên Bái vừa qua, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa đến an toàn vệ sinh lao động. Thế nhưng cũng phải thừa nhận thực tế là hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp chưa làm tốt vấn đề này. Ngoài các nguyên nhân như tôi đã nói ở trên còn có các nguyên nhân nữa là các chủ doanh nghiệp hiện nay cũng đang bị nhiều áp lực. Hàng hoá sản xuất ra phải rẻ để đảm bảo cạnh tranh được trên thị trường. Lợi nhuận thấp, chi phí nhiều, rồi còn phải lo cho đời sống của người lao động nên họ áp lực là đúng, nhưng không phải vì thế mà không quan tâm đến an toàn vệ sinh lao động. Có những mô hình doanh nghiệp nhỏ mà họ lại làm rất tốt điều này. Do đó, vấn đề ở đây là tìm được các giải pháp phù hợp với bản thân doanh nghiệp của mình. Nếu chủ sử dụng lao động đối xử với người lao động như người thân, bằng lòng biết ơn, bằng lòng trắc ẩn thì sẽ hạn chế xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến tai nạn lao động.

PV: Trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động, chúng ta có rất nhiều quy định chặt chẽ, cùng với đó còn là hệ thống thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ông có thấy rằng, dường như câu chuyện quản lý, kiểm soát vẫn còn có những khó khăn?

TS Nguyễn Anh Thơ: Đúng là quá trình thanh tra, kiểm tra cũng đã đưa ra được các tư vấn, xử lý để doanh nghiệp thay đổi. Nhưng tôi phải nói thật cách thức thanh tra, kiểm tra của chúng ta hiện nay còn chưa phù hợp và không theo được các thông lệ quốc tế, rườm rà, thiếu hiệu quả. Về quy chuẩn thì việc thanh tra an toàn trong lao động khi đến doanh nghiệp không được báo trước. Thanh tra cũng không cần phải mất quá nhiều thời gian tại doanh nghiệp, thanh tra chỉ cần đến khu vực cần phải kiểm soát an toàn lao động xem có đạt yêu cầu không. Chưa đạt chuẩn thanh tra có thể yêu cầu chủ doanh nghiệp ngay lập tức khắc phục. Sau đó nếu hậu kiểm mà doanh nghiệp chưa xử lý thì có các biện pháp xử lý. Có nghĩa là thanh tra cần phải xem thực tế khi doanh nghiệp sản xuất có đảm bảo an toàn hay không. Đằng này, thanh tra lao động của chúng ta hiện nay là phải thành lập đoàn, doanh nghiệp bị thanh tra được lên kế hoạch, được báo trước, sau đó đoàn thanh tra sẽ vào xem xét nghiên cứu hồ sơ xem còn thiếu gì, cái gì chưa được. Thật ra việc này chỉ là để xem xét hồ sơ có đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật hay không, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cho đầy đủ. Đây chỉ là vấn đề giấy tờ hành chính, còn vấn đề chính phải là thực tế quá trình sản xuất có đảm bảo hay không, đó mới là quan trọng. Trên giấy tờ thì doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện cho công nhân rồi, nhưng công nhân có đạt hay không, có thành thục các bước đảm bảo an toàn hay không lại là câu chuyện khác. Trên giấy tờ máy móc được kiểm định rồi, nhưng khi sản xuất vẫn có thể xảy ra sự cố. Thanh tra, kiểm tra là phải xem người ta làm thực tế có đảm bảo hay không chứ không chỉ ở hồ sơ, thủ tục. Theo quy định của pháp luật thì hồ sơ phải đầy đủ. "Án tại hồ sơ" mà, nhưng đó là khi xảy ra sự vụ, chứ còn an toàn lao động là vấn đề xảy ra trong thực tế từng giây, từng phút.

PV: Rõ ràng chúng ta còn nhiều hạn chế trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động dù đây là vấn đề cũng rất được quan tâm thời gian qua. Theo ông, chúng ta cần thêm những giải pháp là gì để không còn thấy những hình ảnh đau lòng do tai nạn lao động nữa?

TS Nguyễn Anh Thơ: Ngoài những vấn đề chúng ta hay nói như tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động, theo tôi hiện nay chúng ta cần phải khắc phục ngay những cái mà chúng ta còn yếu. Chẳng hạn như phải điều chỉnh lại kẽ hở của pháp luật. Ví dụ như trường hợp một chủ sử dụng lao động lớn người ta thuê những đơn vị dịch vụ vào làm những công việc nguy hiểm, trách nhiệm của họ lại không được nhắc đến. Nếu những đơn vị dịch vụ kia đưa những lao động không đủ trình độ, kỹ năng vào làm việc, chẳng may xảy ra tai nạn lao động thì đơn vị dịch vụ kia phải chịu trách nhiệm là chính. Việc này đã xảy ra trong thực tế, khi đơn vị dịch vụ vào xử lý môi trường ở một nhà máy tại Phú Thọ. Đưa ai vào để làm việc trong nhà máy của anh, có đủ kỹ năng hay không anh phải biết, chứ không thể khoán trắng được, anh phải kiểm soát để đảm bảo an toàn lao động vì những vấn đề này liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của con người.

Để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người lao động, đảm bảo an toàn lao động chúng ta cần thêm nhiều quy định nữa. Chẳng hạn như để hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính đưa ra các ràng buộc như khi doanh nghiệp vay vốn đầu tư, xây dựng thì doanh nghiệp có tuân thủ pháp luật về an toàn lao động, đảm bảo an toàn cho người lao động hay không. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ thì không cho vay vốn. Ngân hàng thế giới World Bank và một số tổ chức tín dụng hiện đã và đang thực hiện điều này. Anh có thể thấy, các các hiệp định FTA mà chúng ta mới ký gần đây, họ đều ràng buộc rất nhiều các quy định chặt chẽ về lao động cho thấy trên thế giới hiện nay người ta quan tâm đến lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động đến như thế nào. Những quy định như thế này sẽ là những giải pháp căn cơ.

Trong quản lý thì công tác thanh tra, kiểm tra cần phải đi vào thực chất. Mạnh dạn đổi mới vì đất nước chúng ta có một thị trường lao động rất lớn với khoảng 55 triệu lao động. Việt Nam hiện cũng đang nổi lên là một trong những cứ điểm về sản xuất trên thế giới cho nên vấn đề này cần phải được làm bài bản. Thêm một vấn đề nữa, tuy sẽ mất thời gian nhưng chúng ta phải làm là xây dựng được một văn hoá an toàn lao động, không chỉ trong đội ngũ doanh nghiệp, người lao động mà cả trong tư duy của các cấp, các ngành quản lý nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Hoạt Phan
.
.
.