Chuyện những người “cứu lụt” Thủ đô

Chủ Nhật, 30/10/2022, 12:55

Bất kể trời nắng như đổ lửa hay trời lạnh thấu xương, những công nhân “dọn rác dưới lòng đất” của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn phải làm công việc thường nhật của mình. Ở môi trường ấy, mùi xú uế bốc lên, tứ phía rong rêu ẩm ướt, từng đàn gián, côn trùng bay che cả mặt người, tiếng chuột cắn đuổi nhau chút chít, dòng nước thải rả rích nhỏ giọt xuống đầu…

“Ngụp lặn” trong túi chứa rác khổng lồ

Như thường lệ, đúng 7 giờ sáng, ông Đỗ Văn Công (55 tuổi), người từng có thâm niên 33 năm dọn rác dưới lòng đất bắt đầu công việc của mình. Hôm nay, ông Công cùng mấy đồng nghiệp sẽ dọn rác ở đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội).

anh2.jpg -0
Có một “thế giới khác” dưới lòng Thủ đô

Trời Hà Nội nắng như rang, ông Công vẫn phải khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ bằng cao su nặng trịch rồi sau đó lội xuống lòng mương. Khom mình chui vào sâu bên trong, đủ thứ rác được ông Công móc lên, từ chai nhựa, túi nilon rồi đến cả kim tiêm và bao cao su. Ông Công bảo: “Ai cũng nghĩ cống là để thoát nước, nhưng cống ở Hà Nội thì là một cái túi chứa rác khổng lồ và khủng khiếp”.

Sau khoảng nửa giờ cật lực múc, đường vào phía trong mới tạm được khơi thông. Ông Công khom người, bắt đầu nửa ngồi, nửa bò tiến vào. Bên dưới, không khí trở nên hầm hập và đặc quánh hơn bao giờ hết. “Thời tiết lạnh còn dễ chịu hơn, chứ những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, chui xuống cống đúng là một cực hình, nhiều lúc muốn tắc thở vì ngột ngạt. Nhưng nếu không chui vào trong thì không thể khơi thông dòng chảy”, ông Công chia sẻ về công việc của mình.

Công việc thông cống của những công nhân như ông Công thường sẽ được bắt đầu từ 7 giờ sáng. Khi tới địa điểm cần nạo vét, nắp cống sẽ được mở ra khoảng 30 phút để hơi độc bên trong tỏa ra ngoài không khí. Sau đó các công nhân mới bắt đầu chui vào cống để múc rác và nạo vét. Nhớ lại những ngày đầu làm cái công việc mà không ai muốn làm, ông Công tâm sự: “Thực sự thời gian đầu mỗi khi bước xuống lòng cống, toàn thân mình lại bủn rủn vì sợ. Có quá nhiều hiểm nguy rình rập dưới đó, nào là mùi xú uế bốc lên, nào kim tiêm, đinh, mảnh sành, rắn rết…”.

Chuyện những người “cứu lụt” Thủ đô -0
Hơn 30 năm trong nghề, ông Công luôn cố gắng làm tốt công việc của mình

Thời những năm 90 của thế kỷ trước, những người làm công việc thông cống đều làm rất thủ công và không ai có quần áo bảo hộ. Họ cởi trần, mặc chiếc quần xà lỏn, tay xách xô, xẻng rồi lội xuống dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Không chỉ vậy mà ngay cả chiếc đèn pin đeo trên đầu cũng không có. “Chúng tôi định vị vị trí của nhau nhờ vào tiếng gọi nhau í ới. Nếu chẳng may gặp phải đoạn cống sâu, lún bùn thì việc nuốt nước cống cũng không có gì là lạ”, ông Công tâm sự.

Gắn bó với ngành thoát nước Thủ đô hàng chục năm, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hiểu thấu nỗi khổ của anh em công nhân. Ông Sơn chia sẻ rằng, những công nhân thuộc thế hệ của ông từng phải làm việc trong điều kiện vật chất thiếu thốn trăm bề, cũng vì thế mà tỉ lệ người mắc bệnh nan y nhiều. Có những người chưa kịp cầm cuốn sổ hưu thì đã vĩnh viễn ra đi.

Là thế hệ sau nhưng anh Trịnh Minh Hải - một thợ cống ngầm thuộc Xí nghiệp thoát nước số 5 cũng đã có 5 năm gắn bó với công việc này. Chia sẻ về lần chui cống khiến “hồn xiêu phách lạc”, anh Hải bảo đến giờ vẫn cảm thấy rùng mình. Hôm đó, anh Hải và một vài đồng nghiệp của mình có nhiệm vụ thông cống khu vực Tân Triều. Sau khi chui xuống cống, vừa múc được vài gầu rác thì bỗng có một vật gì trơn chuội trườn qua tay anh. Sợ hãi, anh Hải vội rụt tay lại thì nhìn thấy một con rắn rất to đang ngóc đầu hướng về phía mình. Lúc ấy, hai chân anh Hải như bị đóng băng, vì quá hoảng sợ nên gần như không thể nhúc nhích. Nhưng rồi bản năng sống khiến anh dùng hết sức bình sinh vùng chạy lên bờ. Đấy là lần may mắn thoát chết trong gang tấc của người công nhân Trịnh Minh Hải.

Chuyện những người “cứu lụt” Thủ đô -0
Hạnh phúc của những người công nhân thoát nước là nhìn thấy thành phố sạch đẹp hơn lên mỗi ngày

Với kinh nghiệm nhiều năm “lặn ngụp” trong lòng cống, anh Hải phát hiện ra rằng rác cũng có “bản đồ” phân bố riêng. Đối với những khu vực cống vòm của các khu tạm cư, phân tươi được đổ thẳng xuống không qua bể phốt khiến những công nhân như anh Hải thường xuyên nôn oẹ, ám ảnh mãi không thôi. Rác ở Khâm Thiên thì đa phần là dầu ăn nổi váng thành từng lớp dày cộm. Nhưng rác ở Văn Chương lại chủ yếu là lư hương, xà gồ hay túi nilon…

Hạnh phúc nảy mầm trong gian khổ

Dù mới chỉ 31 tuổi nhưng anh Lưu Ngọc Tưởng đã có thâm niên 10 năm trong nghề. Để theo nghề được đến ngày hôm nay, anh Tưởng đã từng phải nhiều lần lên dây cót tinh thần cho chính bản thân mình. Anh bảo: “Những ngày đầu chỉ cần mở nắp hố ga lên là đã toát mồ hôi hột rồi. Mùi hôi thối bốc lên, nhất là vào những ngày nắng nóng, bất kể lúc nào cũng có thể nôn khan. Có những ngày về không cả dám ăn cơm vì ám ảnh. Nhưng rồi mọi thứ cũng quen hết”.

Khi được hỏi, công việc vất vả, nguy hiểm là thế sao vẫn quyết theo nghề thì anh Tưởng cười đáp: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai… Nói vậy thôi chứ mình theo được nghề đến ngày hôm nay cũng là do sự động viên của bà xã. Cô ấy không những không chê cái nghề của mình mà còn bảo: “Việc anh làm có ích cho xã hội thì chả việc gì phải tự ti, nếu không có những người như các anh thì Thủ đô này sẽ chìm trong ngập lụt mất thôi”.

Công việc vất vả nhưng những người công nhân này vẫn luôn giữ được vẻ lạc quan, yêu nghề và nhất là không hề tự ti về công việc mình làm. Với nhiều người, đây lại chính là nơi tình yêu đôi lứa đơm hoa kết trái.

Chuyện những người “cứu lụt” Thủ đô -0
Nhờ làm công nhân thoát nước, chị thúy đã tìm được nửa kia đích thực của đời mình

Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Thúy, công nhân Xí nghiệp thoát nước số 2. Năm 1994, chị Thúy vào làm việc cho Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội. Tại đây chị Thúy đã gặp anh Lê Văn Trường. Cùng nhau làm việc, cùng nhau ăn những bữa cơm vội trong những ngày trực ngập, họ cảm mến nhau lúc nào không hay. Và chỉ một thời gian ngắn sau họ nên duyên chồng vợ. Hơn 20 năm trôi qua, dù vất vả, hiểm nguy nhưng họ luôn bên nhau, yêu thương và đồng hành, cùng nhau lao vào “giải cứu” những điểm ngập lụt của Thủ đô. Anh Trường tếu táo đùa rằng: “Chính cái nghề này đã cho mình một người vợ tuyệt vời. Lộc từ nghề đây chứ đâu”.

Công việc dù vất vả và hiểm nguy nhưng những người công nhân thoát nước không ai có ý định “bỏ cuộc”. Bởi hạnh phúc với họ chính là được giúp thành phố trở nên sạch, đẹp hơn mỗi ngày.

Phong Anh
.
.
.