Chuyên gia nói gì về nguyên nhân Hà Nội, Thái Nguyên mưa "trắng trời"?

Thứ Sáu, 23/08/2024, 17:03

Chuyên gia khí tượng thủy văn lý giải, tổ hợp hình thế vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên cao kết hợp với gió Đông Nam gây mưa lớn ở Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh miền Bắc.

Chiều 23/8, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong đêm 22/8 và sáng 23/8, khu vực Bắc Bộ và Hòa Bình xảy ra đợt mưa rất lớn, lượng mưa phổ biến từ 50-100 mm, một số nơi có mưa lớn hơn như (Đồng Quang) Thái Nguyên từ 19 giờ tối 22/8 đến 9h ngày 23/8 là 219 mm, Quan Hoa (Cầu Giấy) là 195 mm, Hoài Đức (Hà Nội) lượng mưa đêm 22/8 và sáng 23/8 là 193 mm, vượt lượng mưa lịch sử ở khu vực này là 190 mm vào tháng 8/2022. 

Nguyên nhân của đợt mưa lớn này do vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên đến 5.000 m cộng với tác động của gió Đông Nam của khối không khí biển lấn từ phía Đông vào.

Dự báo, trong ngày và đêm 23/8, đến hết 24/8, khu vực Bắc Bộ và tỉnh Hoà Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn, lượng mưa khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm. Ngoài ra, các khu vực khác của Bắc Bộ có lượng mưa phổ biến từ 10-30 mm, có nơi trên 100 mm.

Sau đợt mưa lớn này, Bắc Bộ chuyển sang giai đoạn ít mưa từ 26/8 đến hết tháng 8, sang tháng 9 vẫn là tháng mùa mưa nên trong tháng 9 ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục có nhiều ngày mưa nhiều và mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao và rất cao. 

Theo dự báo, không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 9-10/2024 và xu hướng gia tăng tần suất và cường độ mạnh dần từ tháng 11/2024. Không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất trong tháng 12/2024, tháng 1/2025.

Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12/2024 đến tháng 2/2025. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt RĐ, RH kéo dài khoảng 5-8 ngày, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ.

Nguyên nhân Hà Nội, Thái Nguyên mưa
Người dân di chuyển bằng thuyền ở trung tâm TP Thái Nguyên. Ảnh: Thiệp Huỳnh

Từ tháng 9-11/2024, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 5,9 cơn), trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 2,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay tại Biển Đông.

Về diễn biến mưa, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 9-10/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%. Tháng 11/2024, khi bắt đầu chuyển sang mùa đông, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ở Trung Bộ, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến cuối năm, từ tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 9-11/2024 cũng có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-20%. Cảnh báo nhiều đợt lũ cao ở Trung Bộ, Tây Nguyên vào cuối năm

Do mưa bão nhiều, dự báo tình hình lũ lụt cuối năm nay cũng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở Trung Bộ, Tây Nguyên.

Cũng trong chiều 23/8, Trung tâm Dự báo khí tượng, thuỷ văn quốc gia cảnh báo, trong 3 đến 6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến 20-40mm, có nơi trên 60mm, riêng các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn từ 30-50mm, có nơi trên 80mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1.

Trước đó, vào đêm qua (22/8), Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã trải qua một đêm mưa lớn kèm theo dông và sấm sét dữ dội. Trận mưa này do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao. Mưa lớn khiến Hà Nội và nhiều tỉnh thành ở phía Bắc bị ngập lụt nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, khu vực Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội, đã ghi nhận hơn 1.000 cú sét. Trong đó, khu vực có sét nhiều nhất gồm Lạng Sơn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình.

Sấm sét đi kèm với mưa lớn đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Mưa lớn kéo dài suốt đêm khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Sức gió mạnh kèm theo dông lốc đã làm đổ nhiều cây xanh trên các tuyến đường.

Chi Linh
.
.
.