Chung tay phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em

Thứ Hai, 22/04/2024, 07:20

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, các trường hợp trẻ tử vong do đuối nước thường xảy ra vào lúc sát Tết Âm lịch và bắt đầu vào mùa hè. Thời điểm này, học sinh trống tiết học, rủ nhau đi chơi, dẫn đến các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Buổi tuyên truyền kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước do thầy giáo Mai Văn Chuyền (giáo viên Trường Trung học cơ sở Ngô Mây, xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk, người sáng lập câu lạc bộ "Vì đàn em thân yêu" trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M'gar) tổ chức tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sôi nổi, rộn ràng tiếng trao đổi giữa học sinh và giáo viên. Tại buổi tuyên truyền, học sinh không chỉ được lắng nghe thầy giáo hướng dẫn các kỹ năng, còn được thực hành thực tế các tình huống có thể xảy ra.

vna_potal_dak_lak_chung_tay_phong_chong_tai_nan_duoi_nuoc_o_tre_em_stand.jpg -0
Học sinh được thực hành các kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, sơ cấp cứu… Ảnh: Nguyên Dung

Em Quản Anh Phương (học sinh lớp 5E) cho biết, qua buổi tuyên truyền, em cảm thấy rất thiết thực, em biết cách để tự cứu bản thân và người khác. Trong trường hợp có người đuối nước, em khoan nhảy xuống mà la làng thật lớn để người lớn chú ý đến cứu; đồng thời, tìm các vật dụng dễ nổi như phao, bóng… ném xuống để cứu bạn. Theo anh Mai Văn Chuyền, nhằm cụ thể hóa chương trình "Vì đàn em thân yêu", Hội đồng Đội huyện Cư M'gar đã tổ chức nhiều chương trình hướng về cơ sở nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều chương trình được tổ chức như: Học bơi miễn phí, đưa bể bơi di động đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, việc học bơi chỉ là một giải pháp. Để nâng cao hiệu quả, cần có sự chung tay vào cuộc từ chính phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo tại địa phương. Vì ý nghĩa đó, Chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước ra đời. Qua hơn hai năm triển khai, chương trình diễn ra tại 40 trường trên địa bàn tỉnh, tiếp cận cho hơn 19.000 lượt trẻ em, học sinh. Với các nội dung chính giảng dạy, giúp học sinh biết được các mối nguy hiểm để phòng, chống tai nạn đuối nước; cách thức gián tiếp cứu đuối để đảm bảo an toàn cho bản thân; kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản…

"Tôi mong muốn tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các chương trình này. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các đội tuyên truyền đến các địa phương khác để chính các thầy cô giáo là giáo viên phụ trách Đội có kỹ năng, kiến thức và phương tiện chủ động tuyên truyền đến từng địa phương. Như vậy, chương trình mới lan tỏa và hiệu quả", anh Mai Văn Chuyền thông tin.

Chung tay vì học sinh thân yêu, đầu tháng 3/2024, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar) tổ chức hai lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Lớp học bơi do thầy Nguyễn Đình Ngư, là giáo viên thể dục của trường giảng dạy. Đều đặn vào chiều thứ 4, thứ 6 hàng tuần, 30 em học sinh (từ lớp 2 đến lớp 5) được thầy giáo hướng dẫn kỹ năng bơi, cách thức cứu đuối, kỹ năng sinh tồn... Các em rất thích thú, phấn khởi khi được tham gia lớp học này.

Em H'Trần K Buôr (học sinh lớp 4A2) cho biết, tham gia lớp học bơi, em thấy rất vui. Em được học các kỹ năng bơi, cách phòng tránh khi đuối nước. Em mong rằng chương trình này sẽ được lan tỏa để nhiều bạn khó khăn được học cách bơi.

Theo thầy giáo Nguyễn Đình Ngư, trên địa bàn xã Ea Kuêh có rất nhiều ao, hồ. Do đó, các em học sinh có thể dễ dàng đến tắm, bơi, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Qua lớp học này, các em biết được cách thức bơi, cứu đuối, kỹ năng sinh tồn… Khi có trường hợp xảy ra, các em biết cách để tự cứu bản thân và người khác.

Từ đầu tháng 3/2024 đến hết hè, Trường Trung học Cơ sở Trần Quang Diệu (thành phố Buôn Ma Thuột) đã tổ chức các lớp học bơi nhằm hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Cô giáo Võ Thị Thu Ba, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc dạy bơi trong nhà trường chưa được đưa vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng nhà trường đã linh hoạt vận dụng các kiến thức về kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước đưa vào các tiết kỹ năng sống cho học sinh lớp 6. Trong các tiết chào cờ, sinh hoạt lớp…, các thầy, cô thường xuyên cập nhập thông tin về cách phòng, chống đuối nước cho các em, đặc biệt, những ngày nắng nóng.

Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra ở khu vực nông thôn. Qua phân tích cho thấy, có nhiều lý do dẫn đến tai nạn đuối nước trẻ em, nhưng nguyên nhân chính là do trên địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi. Đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cha mẹ mải mưu sinh không có thời gian quản lý, chăm sóc con cái. Bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá của trẻ, cộng với nhận thức chưa đầy đủ về mối nguy hiểm nên trẻ không sợ, không lường hết được mối nguy hiểm có thể xảy ra.

Tai nạn đuối nước vẫn là nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em, nhất là trong những ngày hè. Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình, hướng các em tới các hoạt động lành mạnh, bổ ích, bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

Nguyên Dung
.
.
.