Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo nóng về xử lý cây xanh gãy đổ, khắc phục hậu quả bão Yagi

Chủ Nhật, 08/09/2024, 22:00

Tối 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Cùng ngày, lãnh đạo TP cũng yêu cầu cứu cây xanh gãy, đổ.

Công điện nêu rõ, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông. Đi qua địa bàn  Hà Nội, bão số 3 đã gây ra mưa to và dông lốc, gió mạnh cấp 7, giật cấp 9 làm gẫy đổ nhiều cây xanh, mất điện ở một số huyện, ngập úng cục bộ.

Nhờ sự chủ động, tích cực triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và TP nên thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 gây ra trên địa bàn được giảm thiểu. TP đã nhận được sự hợp tác, ý thức cộng đồng cao của nhân dân trong tuân thủ các hướng dẫn phòng tránh bão; cũng như tham gia hỗ trợ các lực lượng, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại. UBND TP ghi nhận, cảm ơn các lực lượng đã và đang nỗ lực trong công tác ứng cứu, khắc phục sự cố do bão số 3 gây ra.

Hiện nay mực nước các hồ chính đều ở mức cao; mực nước sông Tích, sông Bùi, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang đều ở trên mức báo động II; trong thời gian tới, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Để khắc phục nhanh hậu quả do bão số 3, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, tăng cường triển khai một số nội dung:

Tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, cứu các cây xanh gãy đổ -0
Hà Nội chịu nhiều thiệt hại sau khi bão số 3 đổ bộ.

Khẩn trương hoàn thành công tác thống kê thiệt hại, triển khai khắc phục kịp thời các thiệt hại do thiên tai gây ra; dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất và đảm bảo đời sống Nhân dân nhanh và hiệu quả nhất, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ. Các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai một số giải pháp sau:

Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các trường hợp người bị thương do ảnh hưởng của bão đang nằm điều trị tại các bệnh viện; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai phương án tiêu độc, khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn, sức khỏe của người dân.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người mất và bị thương xảy ra trước, trong và sau bão.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc đảm bảo điều kiện an toàn tuyệt đối cho học sinh quay lại trường học, phù hợp chương trình học tập theo khung năm học 2024-2025 đảm bảo đúng quy định.

Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND cấp xã phối hợp cùng các đơn vị quản lý duy trì cây xanh tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai ngay giải tỏa cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh; bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện và chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện tham gia thu dọn, an toàn vệ sinh môi trường sau cơn bão số 3.

 Giám đốc Sở Công Thương đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân; giữ ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các địa phương chỉ đạo kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện và chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục, phục hồi sản xuất, bơm tiêu úng, buộc dựng, cứu lúa vụ mùa; rà soát, đánh giá, thống kê, hỗ trợ thiệt hại theo quy định; xây dựng phương án tăng cường sản xuất vụ Đông để bù đắp cho những diện tích, rau màu vụ mùa bị thiệt hại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu cứu cây xanh gãy, đổ

Trong văn bản khắc phục hậu quả bão Yagi chiều 8/9, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để giải tỏa cây đổ, gãy nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Đáng chú ý, lãnh đạo TP yêu cầu cây cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị, cây nhỏ đường kính dưới 25 cm bị gãy, đổ sẽ được đánh giá để trồng lại tại chỗ hoặc đưa về vườn ươm chăm sóc.

Trước mắt các lực lượng phải giải tỏa ngay cây gãy, đổ trên các tuyến đường phố chính của Thủ đô, xong trước ngày 12/9; sau đó sẽ tiếp tục thu dọn cây đổ, cành cây gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh thu hồi củi gỗ theo quy định.

"Đối với cây xanh cần bảo tồn, cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra đánh giá và chống dựng, trồng lại ngay, đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm để chăm sóc, trồng vào vị trí phù hợp trên địa bàn. Công việc này hoàn thành trước ngày 15/9", văn bản nêu. Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng yêu cầu trồng lại các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25 cm bị gãy đổ. Trước khi trồng lại, phải cắt cành, tán đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định.

Với những cây đổ ra đường sau khi cắt tỉa phải di chuyển lên hè phố, dải phân cách để đảm bảo an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại. Việc trồng lại các cây xanh nêu trên xong trước ngày 20/9. Với những cây do các quận, huyện thị xã quản lý, việc trồng lại tại chỗ cây đổ hoàn thành trước 30/9.

Với những cây gãy đổ không thể trồng lại, củi gỗ thu hồi được đưa về vườn ươm Yên Sở, vườn ươm Cổ Nhuế, bãi tập kết tại dốc La Pho, công viên Tuổi trẻ, sau đó thanh lý. Sở Xây dựng được giao chủ trì xây dựng kế hoạch trồng lại những cây xanh gãy đổ không thể khắc phục, đảm bảo chủng loại, kích thước phù hợp.

Trúc Linh
.
.
.