Chủ động ứng phó với hạn, mặn
Tại tỉnh Bến Tre, từ đầu mùa khô năm 2023-2024 đến nay, nước mặn trên các sông chính chủ yếu lên xuống theo thủy triều. Độ mặn cao duy trì trong khoảng thời gian ngắn nên lượng nước ngọt dự trữ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo chú trọng thực hiện phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt (hoặc độ mặn thấp) đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống.
UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, tại nhà máy nước như: Tân Hào, Lương Phú, Phước Long (huyện Giồng Trôm), Long Định (huyện Bình Đại), Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam). Từ đầu mùa vụ, ngành chức năng tỉnh Bến Tre kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch.
Người dân trên địa bàn Bến Tre cũng đã phát huy hiệu quả của phương án "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng". Bà con chủ động đắp đập tạm, bờ bao ngăn mặn cục bộ để bảo vệ sản xuất của hộ gia đình; tự trang bị máy đo mặn để đo kiểm tra độ hoặc mang mẫu nước đến các điểm đo mặn tập trung để kiểm tra trước khi tưới; sử dụng phương tiện (sà lan, ghe, xe...) để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, sử dụng phương pháp kết hợp mô hình MIKE 11, MIKE 21 và hiển thị kết quả bản đồ trên nền ArcGis để cho kết quả dự báo xâm nhập mặn có đủ độ tin cậy trên cả 3 sông chính là: sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông và sông Cửa Đại.
Theo ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, trước đây, dự báo xâm nhập mặn chủ yếu bằng phương pháp thống kê và kinh nghiệm của dự báo viên. Nay, nghiên cứu mô hình tính toán mặn đã được Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre tiến hành xây dựng cho khu vực tỉnh với mạng sông được giản lược chỉ còn 47 sông, kênh chính từ Kratie (phía Đông nước Campuchia) tới các cửa sông ven biển với 1.946 điểm nút, nhằm phù hợp với số liệu tự cung cấp được nhiều nhất.
Phương án dự báo xâm nhập mặn được thực hiện dựa trên công cụ dự báo biên mực nước; bộ mô hình MIKE 11 đã hiệu chỉnh và kiểm định (HD và AD) và biên đầu độ mặn cho kết quả đủ độ tin cậy trong việc dự báo ranh mặn 1‰ và 4‰ trên các sông chính của địa phương. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre hiện quản lý 32 nhà máy nước (trong đó, có 27 nhà máy nước vận hành cấp nước và 5 nhà máy nước đã thực hiện hòa mạng để đảm bảo hiệu quả cấp nước cho người dân sử dụng). Hiện, có 98.000 hộ dân sử dụng nước từ các nhà máy nước. Trong đó, có khoảng 13.000 hộ chịu ảnh hưởng mặn có độ mặn trên 1‰, còn lại là dưới 1‰. 15.000 hộ độ mặn thấp hơn 0,5‰.
Theo ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, so với cùng kỳ năm 2023, tình hình xâm nhập mặn tại các nhà máy nước trực thuộc trung tâm có tăng. Từ đầu mùa hạn mặn đến nay, trung tâm vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước ngọt từ các nhà máy nước có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong dịp Tết và mùa khô năm 2023-2024. Nhiều giải pháp như đắp đập tạm, tạo túi trữ nước ngọt cho các trạm bơm, lắp đặt thuyền bơm… cũng đã được triển khai thực hiện.
Tại Hậu Giang, UBND tỉnh đã yêu cầu các công ty, nhà máy cung ứng nước theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn, khẩn trương kiểm tra các vùng bị xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt cần có phương án cụ thể nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch đến người dân khi có mặn xâm nhập. Đồng thời, các địa phương phải thông báo cho người dân sử dụng nước sinh hoạt có kế hoạch tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian nước mặn xâm nhập. Tỉnh cũng có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến ống đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn.