Chủ động theo dõi quá trình thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID

Thứ Hai, 08/08/2022, 07:19

Sau gần 2 năm triển khai, ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích trong việc cung cấp thông tin chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội…

Việc này đã giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của bản thân. Sự ra đời của ứng dụng VssID trên thiết bị di động là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Chủ động theo dõi quá trình thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID -0
Cán bộ BHXH Việt Nam hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VssID. Ảnh: CTV.

Tiện lợi và minh bạch

Chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 11/2020, ứng dụng VssID cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hai năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục đổi mới, cập nhật, bổ sung nhiều tính năng mới trên ứng dụng VssID bảo đảm tính ưu việt, tiện dụng hơn cho người sử dụng như: Dễ dàng tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin và trong thực hiện dịch vụ công với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Qua theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia còn có thể trực tiếp tự giám sát, bảo vệ quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của mình. Đặc biệt, tại những thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng ứng dụng VssID đã góp phần hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm virus.

Từ ngày 1/6/2021, người dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng khi đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy. Đây là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia bảo hiểm y tế và cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhằm phổ biến rộng rãi ứng dụng VssID đến người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới phục vụ tốt hơn người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã tập trung mọi nguồn lực để hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID.

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 7/2022, toàn quốc đã có trên 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với trên 1,35 triệu lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Không chỉ tiện lợi trong việc theo dõi các thông tin về quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, người sử dụng còn nắm rõ được lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bản thân. Qua đó, thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động và quá trình thụ hưởng các chính sách của mình, góp phần công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, gần đây, cơ quan này nhận được một số phản ánh của người dùng ứng dụng VssID về việc thông tin quá trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của cá nhân trên ứng dụng VssID không chính xác do chưa từng dùng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở được hiển thị trên ứng dụng. Nắm bắt các thông tin phản ánh về tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ liên quan kiểm tra, rà soát, có hướng xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (nếu có).

Hiện ứng dụng VssID vẫn tiếp tục được cơ quan này nâng cấp, hoàn thiện các tính năng nhằm đem đến sự thuận tiện, hữu ích nhất cho người dùng. Để hạn chế một số vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành, nâng cấp ứng dụng, đồng bộ hóa dữ liệu của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như chưa chính xác về dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thường xuyên hoàn thiện và đồng bộ về dữ liệu để đảm bảo thông tin cung cấp trên ứng dụng VssID đúng với quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách của người dùng ứng dụng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người dân tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, thường xuyên theo dõi, truy cập ứng dụng để nắm bắt thông tin, giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay khi phát hiện có thông tin sai lệch về quá trình tham gia hoặc thụ hưởng chính sách của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia cần phản ánh ngay với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện hoặc Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua Tổng đài hỗ trợ 1900.9068; Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://www.baohiemxahoi.gov.vn/hoidap/Pages/default.aspx); Fanpage Facebook của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://www.facebook.com/BHXHVietNam999) để được hỗ trợ, giải đáp và xử lý kịp thời.

Chu Thanh Vân
.
.
.