Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa nắng nóng
Miền Trung đang bước vào mùa nắng nóng. Để đảm bảo công tác PCCC rừng đạt hiệu quả cao, các chủ rừng và lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo ông A Lăng Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phước Sơn, diện tích rừng do BQL làm chủ rừng trải rộng trên 11 xã, thị trấn của huyện với 74 tiểu khu, tổng diện tích gần 39.200ha. Thông thường, hằng năm các vụ cháy rừng thường diễn ra từ đầu tháng 4 đến hết tháng 8; đặc biệt, có những năm mùa khô đến sớm từ tháng 3 và kéo dài đến hết tháng 9 dương lịch, cháy rừng xảy ra trong những tháng khô kiệt nhất, từ tháng 5 đến tháng 8.
Năm 2021, trong lâm phận quản lý của BQL rừng phòng hộ Phước Sơn xảy ra 8 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 86,5ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do đốt nương rẫy để trồng rừng gây cháy lan; đốt tổ ong lấy mật; đốt củi nhóm bếp trong rừng khi vào rừng săn bắn trái phép hoặc du lịch khám phá tự phát…
Để công tác PCCC trong mùa khô năm 2022 đạt hiệu quả cao, BQL rừng phòng hộ Phước Sơn đã ban hành phương án PCCC rừng; thành lập lực lượng xung kích bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách của BQL, thường xuyên tuần tra canh gác, quản lý người ra vào rừng theo cấp dự báo cháy rừng; phát hiện, ngăn chặn việc dùng lửa trong rừng có nguy cơ gây cháy trong mùa nắng nóng. Khi xảy ra cháy, lực lượng chuyên trách tiếp cận điểm cháy ở địa bàn phân công để chữa cháy kịp thời, phối hợp vận động nhân dân quanh vùng tham gia trong công tác PCCC rừng.
Bên cạnh đó, trước tình hình thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng dần như hiện nay, BQL còn đề nghị UBND các xã, thị trấn, các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các văn bản pháp luật liên quan công tác PCCC rừng đến người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, huy động nhân dân tham gia trong công tác BVR, PCCC rừng; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác, sản xuất nương rẫy, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm khô hạn, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy, vệ sinh rừng sau khi khai thác; chú trọng ký cam kết các hộ dân sống trong, ven, gần rừng và các hộ dân có diện tích nương rẫy sát với rừng tự nhiên về quản lý BVR và PCCC rừng về thời gian, địa điểm đốt thực bì.
Ông Từ Văn Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2022 được dự báo thời tiết diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ có xu hướng tăng cao, gây khô hạn, nắng nóng kéo dài và gia tăng nguy cơ về cháy rừng tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp BVR và PCCC rừng, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, với quan điểm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để, đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết về PCCC rừng đối với các chủ rừng, đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân và phát động phong trào toàn dân tham gia BVR, PCCC rừng trên địa bàn quản lý.
Đặc biệt, trong những ngày cảnh báo nhiệt độ không khí trên 37 độ C, BQL tham mưu UBND cấp huyện ban hành thông báo nghiêm cấm đốt thực bì, mọi hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng; đồng thời phối hợp UBND cấp xã triển khai phổ biến đến tận các thôn, khu dân cư sống trong, ven rừng và bố trí lực lượng ứng trực 24/24 và canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng. Khi để xảy ra cháy rừng do hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng gây ra thì cần quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan được giao trách nhiệm thực hiện công tác PCCC rừng ở địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, các Hạt Kiểm lâm thường xuyên củng cố các tổ, đội quần chúng BVR; chủ động nâng cao năng lực, xử lý kịp thời hiệu quả công tác PCCC rừng; chỉ đạo Kiểm lâm làm việc tại địa bàn thường xuyên tuần tra, giám sát các vùng trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với lực lượng BVR chuyên trách của chủ rừng để quản lý tốt địa bàn và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc canh tác nương rẫy theo đúng quy hoạch,... Các Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng duy trì công tác tuyên truyền và thường xuyên bố trí lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng cứu phục vụ hiệu quả PCCC rừng khi có yêu cầu.