Chia nhỏ điểm tập kết chợ đầu mối tại Hà Nội để không xảy ra thiếu hàng

Chủ Nhật, 01/08/2021, 11:20

Sáng 31/7, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì đã làm việc với TP Hà Nội để bàn các giải pháp chủ động sản xuất, điều tiết, kết nối cung - cầu hàng hoá, lương thực, thực phẩm giữa Hà Nội và các địa phương phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô hợp tác xã, hộ gia đình, cá thể.

Các doanh nghiệp tham gia chế biến ba sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%) với tổng sản lượng cung cấp trên 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu về sản phẩm chế biến của Hà Nội hiện là 5.165 tấn, chủ yếu nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ, trong đó có hai chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm...

cunbg.jpg -0
 Chợ đầu mối phía Nam đang bị phong tỏa do có ca F0.

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, với dân số khoảng 10,33 triệu người, nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm của người dân là vô cùng lớn. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhu cầu gạo của người dân Hà Nội trong 1 tháng khoảng 92.970 tấn, trong khi sản lượng sản xuất của Hà Nội khoảng 338.028 tấn/vụ ( trung bình khoảng 56.338 tấn/tháng), đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sản lượng thịt lợn xuất chuồng trong 1 tháng của Hà Nội khoảng 17.500 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của TP là 18.594 tấn, đáp ứng 94,1% nhu cầu, cần cung cấp từ bên ngoài thành phố 1.094 tấn/tháng. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng trứng trong 1 tháng của người dân Hà Nội lên đến 123,9 triệu quả trứng gia cầm, trong khi sản lượng 1 tháng của thành phố là 116,7 triệu quả, đáp ứng 94,2% nhu cầu.

Đối với mặt hàng rau củ, sản lượng sản xuất 1 tháng của Hà Nội là 67.299 tấn, trong khi nhu cầu 1 tháng của thành phố là 103.300 tấn, như vậy sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu, lượng rau củ cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 36.001 tấn (34,9%). "Nhìn chung, trong bối cảnh Hà Nội đang giãn cách xã hội nhưng đến nay tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố tương đối ổn định", ông Sơn thông tin.

Bà Nguyễn Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ dù sức mua tăng đột biến, hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân. Tuy nhiên, theo bà Lan, trong tình huống xấu, nếu số ca F0 tăng cao, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách, trong khi các địa phương khác cũng có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn.

Bà Lan đề nghị Tổ công tác của Bộ NN&PTNT kịp thời tháo gỡ nếu có những khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đối với việc đóng cửa các chợ dân sinh, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, hiện chợ đầu mối phía Nam tạm thời bị phong tỏa, bà Lan cho biết, phương án của Sở Công Thương Hà Nội là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất, cung ứng nông sản cho người dân, đảm bảo hàng hóa, lương thực thiết yếu cho người dân trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Ngọc Yến
.
.
.