Chi phí thuê trọ của công nhân chiếm đến 20% thu nhập

Chủ Nhật, 11/09/2022, 08:28

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, công nhân lao động ngành may mặc trên địa bàn chỉ có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/tháng.

Thậm chí có đến 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, 40% có thu nhập 5-8 triệu đồng/tháng, 16% có thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng và chỉ có 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng. Thu nhập khá thấp như vậy nên chỉ có 22% cho rằng tiền lương hàng tháng chỉ còn dư chút ít, có 15,8% chỉ vừa đủ chi phí sống và có đến 41% cho biết thu nhập không đủ sống.

Thu nhập thấp như vậy nên đa số công nhân lao động chỉ có thể thuê phòng trọ với giá thuê trên dưới 1 triệu đồng/người/tháng nhưng chi phí thuê chỗ ở chiếm khoảng trên dưới 20% tổng thu nhập.

4-1.jpg -0
Khu nhà lưu trú công nhân khang trang, giá thuê rẻ ở khu chế xuất Linh Trung 2.

Chị Hòa, một công nhân giày da ở quận Bình Tân bộc bạch, thu nhập ít ỏi nên việc được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ khiến chị và nhiều công nhân khác rất vui. Hy vọng Nhà nước sẽ thường xuyên có chính sách như vậy để công nhân từ các tỉnh khác về thành phố làm việc như chị bớt phần khó khăn.  

Công nhân, người lao động từ các địa phương khác đến TP Hồ Chí Minh làm việc phải chi phí thuê nhà trọ hàng tháng khá cao so với thu nhập, trong khi đó việc phát triển nhà ở xã hội (NOXH), nhà lưu trú công nhân không đáng kể so với nhu cầu. Báo cáo tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh vào tháng 8 vừa qua, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong 5 năm gần đây, các chỉ tiêu về nhà ở của thành phố đều đạt như diện tích nhà ở bình quân đầu người, diện tích nhà ở tăng thêm, nhà thương mại, nhà riêng lẻ tự xây dựng của hộ gia đình… nhưng chỉ riêng tiêu chí về NOXH là không đạt do mới thực hiện được hơn 69%.

Về con số cụ thể, ông Khiết cho biết, trong 5 năm qua, toàn thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án với tổng diện tích đất 24,6 ha với hơn 1 triệu m2 sàn xây dựng, quy mô 14.954 căn hộ. Trong đó có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách với quy mô 366 căn, 16 dự án sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 13.870 căn, 1 dự án vừa sử dụng ngân sách vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với quy mô 718 căn. Ông Khiết cũng thừa nhận, trong giai đoạn này vốn ngân sách đầu tư cho NOXH chỉ chiếm hơn 4% trong khi vốn doanh nghiệp chiếm đến 96%.

Về nhà lưu trú công nhân, 5 năm qua thành phố chỉ đầu tư xây dựng và hoàn thành được 1 dự án với tổng diện tích đất 7 ha, quy mô 1.449 phòng ở, đáp ứng 5.796 chỗ ở cho công nhân. Thiếu quỹ NOXH, nhà lưu trú công nhân nên đến nay vẫn có khoảng 60% số công nhân, người lao động từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh làm việc phải thuê phòng trọ của cá nhân, hộ gia đình.

Thực tế cho thấy, 5 năm qua dù TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành được 15.000 căn hộ NOXH và đã khởi công thêm 5 dự án NOXH, nhà lưu trú công nhân từ đầu năm đến nay để đạt mục tiêu phát triển 35.000 căn NOXH vào năm 2025. Nhưng số lượng NOXH, nhà lưu trú công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách của địa phương. Bởi chỉ tính riêng lực lượng lao động trong các KCX-KCN đã lên tới 285.000 người và số lao động đến từ các địa phương khác là chiếm tỷ lệ 65%. Nhưng các khu nhà lưu trú công nhân hiện có mới chỉ giải quyết chỗ ở cho khoảng 15% công nhân lao động các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Ngoài ra, tại các cụm công nghiệp còn có thêm khoảng 95.000 công nhân, người lao động. Đặc biệt, chỉ riêng tại Công ty Giày Pou Yen có diện tích khoảng 100 ha tại quận Bình Tân đã có quy mô tương đương một KCN với hơn 80.000 công nhân. Do không có nhà lưu trú công nhân nên đã có khoảng 16.000 người lao động của công ty này phải thuê phòng trọ tại các tỉnh lân cận và được bố trí xe đưa đón hàng ngày đi làm việc.

Trước thực trạng trên, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đi giám sát ở cơ sở, bà được lãnh đạo quận phản ánh hiện chưa có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà trọ do người dân tự xây. Điều này gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhà trọ…

Để đẩy nhanh việc phát triển NOXH, nhà lưu trú công nhân tại TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương rà soát quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại và việc quản lý sử dụng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ quỹ đất 20% này để phát triển NOXH. Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị các cơ quan Trung ương một loạt vấn đề như cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được hoán đổi 20% quỹ nhà ở hoặc quỹ đất ở của dự án nhà ở thương mại bằng số lượng NOXH tương đương tính theo số lượng căn hộ, hoặc diện tích sàn xây dựng căn hộ, hoặc diện tích đất ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tại thời điểm hoán đổi để sử dụng làm NOXH.

Do pháp luật về thuế đối với NOXH hiện chỉ quy định mức giảm thuế 50%, Hiệp hội BĐS đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét thực hiện giảm 70% thuế suất thuế VAT, thuế TNDN đối với dự án NOXH cho thuê. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi tín dụng lãi suất 4,8%/năm cho một số đối tượng hưởng chính sách NOXH. Đồng thời cho chủ khu nhà trọ được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm trong gói tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng, hoặc cải tạo nâng cấp khu nhà trọ, phòng trọ đảm bảo chất lượng, quy chuẩn và tăng thêm tiện ích phục vụ công nhân, người lao động thuê trọ…

Đ.Thắng
.
.
.