Chặn ma túy xâm nhập vào khu công nghiệp
Đại tá Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, khoảng 16 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX, đối tượng này rất dễ bị tệ nạn ma túy tấn công.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện toàn quốc có tổng số người nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy là hơn 262 nghìn người. Người nghiện ma túy chủ yếu nằm trong độ tuổi 18 – 35 tuổi (chiếm 70%).
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), số công nhân lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) cũng có hàng nghìn người. Do đó, cảnh báo nguy cơ ma túy đe dọa, tấn công vào các đối tượng là công nhân lao động đã được đưa ra tại Tọa đàm “Chủ động ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm để bảo vệ công nhân lao động” do Tổng LĐLĐVN vừa tổ chức.
Là người từng có thâm niên gần 10 năm sử dụng ma túy, anh Mai Thế Bắc (công nhân Công ty TNHH sản phẩm nhựa Hing Lung, thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ, cuộc đời anh là chuỗi trượt dài khi làm bạn với “cái chết trắng”. Quãng thời gian 10 năm đó là quãng thời gian không chỉ riêng anh mà cả gia đình anh sống trong tủi nhục.
“Bản thân tôi bị mọi người xa lánh, vợ con cũng không tin tưởng nữa. Không chỉ vậy, cả gia đình cũng luôn phải sống trong ánh mắt dị nghị. Thế nhưng nghĩ đến người mẹ già đã lưng còng, đầu bạc, vợ con nheo nhóc nên tôi quyết định cai nghiện. Hiện giờ tôi đã cai nghiện thành công, việc làm ổn định thì mẹ tôi đã không còn nữa. Tôi nghĩ nếu mình không nghiện ngập, mẹ tôi không phải suy nghĩ nhiều về chuyện này thì có thể bà sống thêm một vài năm nữa”, anh Bắc ngậm ngùi kể và khuyên mọi người, đặc biệt là những công nhân lao động sống xa nhà tuyệt đối không được dính vào ma túy.
Câu chuyện ma túy len lỏi vào công nhân KCN không còn mới, tuy nhiên với đặc thù công nhân lao động đa phần là người trẻ, sống xa nhà và tập trung ở một khu vực nên công nhân lao động tại các KCN đang là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị tội phạm ma túy lôi kéo, dụ dỗ, từ hành vi sử dụng trái phép đến hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, không phải ai cũng có nghị lực phi thường, quyết tâm như anh Bắc để vượt qua. Do đó, đối với bất kỳ ai, đặc biệt là công nhân lao động, dù chỉ một lần cũng không thử, mãi mãi không thử ma tuý, phải luôn tránh xa và luôn cảnh giác. Ông Hiểu phân tích, phần lớn công nhân sống xa gia đình, một bộ phận thiếu bản lĩnh, công việc nhàm chán, căng thẳng, thu nhập thấp không đảm bảo đời sống, nên công nhân dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, cần được giải tỏa và dễ nảy sinh tâm lý “cứ chơi đi cho đỡ buồn”. Đây chính là đặc điểm mà tội phạm ma túy lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ công nhân lao động.
Đại tá Hoàng Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, khoảng 16 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX, đối tượng này rất dễ bị tệ nạn ma túy tấn công.
“Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an địa phương tăng cường điều tra, làm rõ tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, đặc biệt ở các cụm, KCN. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi công an các địa phương, xuống tận Công an cấp xã để rà soát, tuyên truyền về vấn đề ma túy đối với công nhân các KCN. Thời gian tới, lực lượng Công an sẽ đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các địa phương, tổ chức công đoàn để ngăn chặn tệ nạn ma túy vươn vòi bạch tuộc vào các KCN, KCX”, Đại tá Hoàng Quốc Việt cho biết. Bên cạnh đó, Đại tá Hoàng Quốc Việt cũng lưu ý vai trò của công đoàn, chính quyền địa phương trong trang bị kiến thức, kỹ năng, ý thức cảnh giác, phát giác, cách nhận diện đối tượng liên quan tới ma túy đối với đội ngũ công nhân lao động.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho hay, công nhân lao động thiếu nhiều thông tin về tội phạm ma túy, về tác hại và nguy cơ lệ thuộc vào ma túy. Tổ chức Công đoàn Việt Nam với chức năng, nhiệm vụ là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã sớm nhận ra nguy cơ này. Rất nhiều chỉ đạo kịp thời, cụ thể từ Tổng LĐLĐVN tới các cấp công đoàn cả nước để bảo vệ công nhân lao động trước tệ nạn này.
“Vai trò của cán bộ công đoàn là rất quan trọng trong chia sẻ, động viên, báo cáo cơ quan chức năng cũng như cơ quan công an để xử lý, giúp đỡ trường hợp công nhân sử dụng ma túy. Về lâu dài, công đoàn sẽ có giải pháp khuyến khích các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ cho công nhân để ngăn chặn vấn đề ma túy trong đội ngũ công nhân lao động”, ông Hiểu nói.