Cha mẹ, người thân cần phòng ngừa nguy cơ bạo hành trẻ

Thứ Bảy, 22/01/2022, 09:19

Khi vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị người tình của bố đẻ hành hạ dẫn đến tử vong còn chưa lắng xuống thì vụ việc người tình của mẹ đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tiếp tục gây lên làn sóng phẫn uất trong dư luận. Pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh các đối tượng đã gây nên tội ác. Thế nhưng, làm sao phòng ngừa để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự?

Liên quan đến vụ việc cháu bé 3 tuổi ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Trung Huyên, tức người tình của mẹ cháu bé về hành vi giết người, theo Điều 123 Bộ Luật hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội, vụ việc cháu bé 3 tuổi bị nhiều đinh găm vào đầu trong sự đau đớn và tính mạng rất nguy kịch đã gây nên sự xót thương không chỉ ngay người thân trong gia đình mà cả cộng đồng xã hội. Trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống sẽ phải bị xử lý nghiêm minh nhất. Sát hại trẻ em là tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi tàn ác, không còn tính người. Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng nên ngay sau khi nhận được tin báo từ bệnh viện, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhanh chóng vào cuộc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã rất quyết liệt và nhanh chóng làm rõ vụ việc thể hiện sự không khoan nhượng trước tội ác đối với trẻ em để mang lại sự bình yêu cho mỗi gia đình và xã hội. Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được đối tượng Nguyễn Trung Huyên với tội ác kinh hoàng giết cháu bé 3 tuổi vô cùng tàn ác, man rợ và chưa từng có trong xã hội văn minh.

Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, làm nghề thợ mộc, trú Thạch Thất, Hà Nội) về hành vi giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, cũng cần thiết phải làm rõ vai trò của người mẹ trong vụ án này. Người mẹ có phạm tội hay không sẽ được cơ quan Công an điều tra xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Nếu người mẹ chứng kiến đối tượng nhiều lần có hành vi sát hại con mình mà không can ngăn, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dù không có tác động nào cùng đối tượng sát hại con thì vẫn phải chịu trách nhiệm đồng phạm giết người cùng đối tượng với vai trò giúp sức về tinh thần.

Trường hợp người mẹ không chứng kiến hoặc không biết đối tượng nhiều lần sát hại con mình nhưng sau đó biết hoặc có hành vi xóa dấu vết, bao che cho đối tượng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm theo quy định tại các Điều 389, 390 Bộ luật Hình sự.

Xem xét lại 2 vụ việc bạo hành trẻ em vừa xảy ra, dễ dàng nhận ra điểm giống nhau ở chỗ vụ việc đều xảy ra tại các gia đình đã ly hôn mà trẻ ở với bố hoặc ở với mẹ. Rõ ràng, khi bố hoặc mẹ tái hôn, trẻ phải chung sống và thích nghi với một người xa lạ. Câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu người mẹ kế, cha dượng cũng yêu thương, quan tâm và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, nếu những người đó không yêu thương trẻ thì các cháu rất dễ đối mặt với nguy cơ bạo hành về tinh thần và thậm chí là thể xác như 2 vụ việc vừa xảy ra. Khi ở trong hoàn cảnh như vậy, chỗ dựa lớn nhất của trẻ lúc này chính là người cha đẻ, mẹ đẻ cùng chung sống dưới mái nhà với trẻ.

Theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, mức bạo hành càng tăng bao nhiêu thì càng làm cho thấy sự thiếu cảnh giác, thiếu quan tâm của người thân, những người xung quanh những đứa trẻ. Cháu bé 3 tuổi trong vụ việc xảy ra tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã mấy lần nhập viện, những người xung quanh phải đặt nghi vấn, phải đặt vấn đề, phải hành động chứ? Gia đình cũng biết những lần đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện.

“Ở đây, tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của người mẹ. Mẹ cháu bé biết nhân tình hành hạ con như vậy nhưng chỉ đưa đi viện và không có bất cứ hành động nào để bảo vệ con khỏi những lần bạo hành tiếp theo. Gia đình bên nội cũng biết mấy lần cháu phải đi viện như thế. Tại sao không ai có động tác nào? Kể cả bác sĩ, nhân viên y tế ở bệnh viện, mấy lần cấp cứu cho cháu cũng không có cảnh báo, đưa vụ việc này lên dư luận? Những người thân, xung quanh thiếu trách nhiệm trong vụ việc để cuối cùng cháu bé có kết cục bi thảm như này. Tôi nghĩ, vụ việc này cũng gần giống vụ bé gái 8 tuổi ở TPHCM bị bạo hành dẫn đến tử vong cách đây không lâu. Những người trực tiếp liên quan vụ việc sẽ bị pháp luật xử lý nhưng mà ở đây, trách nhiệm của người thân, người xung quanh, cộng đồng càng cần phải đặt ra để thảo luận, để có những điều chỉnh”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng bày tỏ.

Trẻ em cần được bảo vệ. Các đối tượng bạo hành tinh thần và thể xác trẻ sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, việc phòng ngừa nguy cơ bạo hành trẻ, nhất là trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ đã ly hôn cần được người thân thích, ruột thịt, mà quan trọng nhất là bố đẻ, mẹ đẻ đặc biệt quan tâm. Cha mẹ, người thân hãy dành nhiều thời gian, sự quan tâm của mình để bù đắp những thiếu thốn về tình cảm và để trẻ chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ của mình. Khi trẻ có dấu hiệu bị bạo hành, cha mẹ, người thân cần có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ trẻ, tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như như 2 sự việc trên.

Nguyễn Hương
.
.
.