Cầu nối giúp những người từng lầm lỡ
"Quản lý, tạo việc làm cho đối tượng tù tha, đối tượng chấp hành án tại cộng đồng và đối tượng nghiện ma tuý" là mô hình mà địa bàn xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thực hiện hơn hai năm nay.
"Chúng tôi đánh giá mô hình rất hiệu quả bởi tình hình tội phạm giảm hẳn, ANTT được đảm bảo, các đối tượng này có công ăn việc làm, ổn định đời sống" - ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vui mừng chia sẻ với phóng viên Báo CAND.
Tìm việc cho người nghiện, đối tượng tù tha, chấp hành án tại cộng đồng
Hà Thượng là xã nằm ở phía Đông Nam của huyện Đại Từ, cách trung tâm TP Thái Nguyên 20km, nằm trên trục đường quốc lộ 37 liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang. Toàn xã có 1.535 hộ với 5.549 nhân khẩu, phân bổ ở 10 xóm. Là địa bàn nằm dọc theo quốc lộ nên trước đây tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, đặc biệt là các đối tượng hình sự, tệ nạn hoạt động lưu động như trộm cắp, ma tuý...
Bên cạnh đó, thời điểm tháng 4/2021, trên địa bàn xã Hà Thượng có 20 người đang chấp hành án, đã chấp hành xong án phạt tù và nghiện ma tuý đang được Công an xã quản lý; trong đó 7 đối tượng án treo, 7 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Họ đa phần không có công việc, thu nhập; đặc biệt, người chấp hành xong án phạt tù mang trong mình mặc cảm khó hoà nhập cộng đồng... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật còn xảy ra.
"Xuất phát từ những vấn đề bức thiết nêu trên, chúng tôi thấy cần phải tổ chức xây dựng mô hình về quản lý, tạo việc làm cho đối tượng tù tha, đối tượng chấp hành án tại cộng đồng và nghiện ma tuý tại địa bàn xã Hà Thượng để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội" - Trung tá Phạm Bá Ngự, Trưởng Công an xã Hà Thượng chia sẻ.
Nghĩ là làm, Công an xã Hà Thượng đã tham mưu Đảng uỷ xã ban hành Nghị quyết số 48 lãnh đạo công tác này, trong đó, giao nhiệm vụ chính cho Công an xã là cơ quan tham mưu, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền để các đối tượng tù tha, người đang chấp hành án phạt tù, người nghiện ma tuý tham gia vào mô hình, qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, giảm nguy cơ phát sinh phức tạp về ANTT...
Theo Trung tá Phạm Bá Ngự, việc khó nhất là vận động, thuyết phục các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận các hội viên đặc biệt nêu trên vào làm. Do đó, Công an xã đã tham mưu UBND xã Hà Thượng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, khu dân cư tổ chức vận động các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, giới thiệu việc làm, hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo...
Bên cạnh sự phối hợp, giúp đỡ của chính quyền địa phương, Công an xã Hà Thượng phối hợp Công an viên bán chuyên trách rà soát các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn có đủ điều kiện, khả năng tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. "Việc vận động doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh hợp tác với cơ quan Công an trong tạo công ăn việc làm cho những người đã từng một thời lầm lỡ là việc không hề dễ dàng. Nhưng chúng tôi lấy uy tín của mình ra để thuyết phục các doanh nghiệp nhận người, dù cũng có người kỳ thị, không muốn nhận", anh tâm sự.
Bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
"Mưa dầm thấm lâu", "nước chảy đá mòn", trước sự chân thành, thuyết phục của đồng chí Trưởng Công an xã và anh em CBCS, đã có 3 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, đơn vị thu gom rác thải tham gia thực hiện mô hình; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 13 đối tượng (trong đó có 8 người nghiện, còn lại là người có án treo hoặc đã chấp hành xong án phạt tù, tái hoà nhập cộng đồng), góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ sự vào cuộc của các lực lượng mà Công an là nòng cốt, các đối tượng tù tha, đối tượng chấp hành án tại cộng đồng và đối tượng nghiện ma tuý đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả của mô hình đã góp phần phòng ngừa tội phạm...
Theo chân Bí thư Đảng uỷ xã Hà Thượng Nguyễn Văn Hồng và Trung tá Phạm Bá Ngự thăm, kiểm tra một xưởng gỗ trên địa bàn, tôi được chứng kiến sự đổi thay của những con người từng theo "nàng tiên nâu" nay trở thành người có ích cho xã hội. "Trong nhà tôi có vài sào ruộng nhưng làm không đủ ăn, cộng với sức khoẻ sa sút. May là được nhận vào xưởng gỗ, lương không cao nhưng cũng đều đều, ngày nào cũng có việc làm, đưa tiền về cho vợ là được rồi" - anh P, một người từng nghiện ma tuý vui vẻ nói. Xưởng gỗ gồm 30 nhân công, trong đó 4 người nghiện. Bình thường mỗi người làm việc 8 tiếng, thu nhập tầm 280.000 đồng/ngày. Đối với những người nghiện, thi thoảng họ phải đi uống methadol thì số ngày công ít hơn.
Là quản lý phân xưởng đóng gỗ pallet gần trụ sở Công an xã, ông Hầu Xuân Thuỷ cho biết, đơn vị luôn tạo điều kiện cho anh em công nhân làm việc, vừa góp phần xây dựng doanh nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm, bảo đảm ANTT tại địa phương. "Cũng có người hỏi tôi, có ngại không? Tôi thấy chẳng có gì phải ngại, vì ai cũng cần công việc làm ăn. Ở đây anh em đi làm nhiệt tình, trách nhiệm, như anh P đã làm được 2 năm rồi, rất chăm chỉ. Thêm vào đó, Công an xã Hà Thượng thi thoảng qua lại động viên, nhắc nhở nên chúng tôi yên tâm", ông bộc bạch.
Theo Trưởng Công an xã Phạm Bá Ngự, những người nghiện, đối tượng tù tha, người đang chấp hành án phạt tù thường không đủ bằng cấp hay chứng chỉ nghề để đăng ký vào doanh nghiệp lớn. Do đó, những xưởng gỗ nhỏ như thế này đóng vai trò lớn trong việc tạo sinh kế, bảo đảm an sinh xã hội để họ quên đi những cám dỗ khác...
Đặc biệt, Công an xã Hà Thượng còn phối hợp vận động các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện cho hội viên mô hình có việc làm, cho hội viên vay vốn khởi nghiệp, góp phần bảo đảm ANTT và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đó là, phối hợp với Hội Nông dân xã Hà Thượng đề xuất xây dựng mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng, tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn đóng góp xã viên, vốn vay tổ chức tín dụng, vốn huy động của các cá nhân có điều kiện khoảng 1,2 tỷ đồng.
"Qua hơn 2 năm thực hiện mô hình, các đối tượng tù tha, người đang chấp hành án phạt tù, người nghiện trên địa bàn đều có công việc ổn định để quên đi quá khứ, thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/tháng, không gây mất ANTT ở địa phương. Có được kết quả này phải ghi nhận vai trò tích cực, quyết tâm của đồng chí Trưởng Công an xã Phạm Bá Ngự", Bí thư Đảng uỷ xã Hà Thượng Nguyễn Văn Hồng đánh giá thêm và cho biết, mô hình còn nhận những đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, càng chứng tỏ ý nghĩa nhân văn của mô hình này...