Cảnh báo tai nạn đuối nước trẻ em trong dịp hè

Thứ Hai, 18/04/2022, 08:41

Theo thống kê từ Phòng Trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn đuối nước, làm 19 trẻ em tử vong.

Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quan tâm quản lý trẻ em, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè sắp tới.

Vụ việc thương tâm vừa xảy ra ngày 4/4, khiến 5 thiếu niên 13 tuổi tại xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tử vong do đuối nước. Chiều hôm đó, do không có tiết học ở trường, 5 học sinh không đến lớp mà rủ nhau đi tắm trên sông Mộc Khê tại vị trí giáp ranh giữa hai xã Thiệu Hợp và Thiệu Duy, dẫn đến đuối nước. Đến 19 giờ 30 ngày 4/4, gia đình không thấy các em về nên tổ chức tìm kiếm và phát hiện quần áo trên bờ đập.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều động phương tiện cùng 15 cán bộ, chiến sỹ khẩn trương đến hiện trường triển khai công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Do đêm tối và thời tiết lạnh, công tác tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Đến gần 1 giờ ngày 5/4, lực lượng chức năng tìm được hai thi thể và đến trưa cùng ngày mới tìm thấy toàn bộ thi thể các nạn nhân.

1 (1)(8).jpg -0
Trẻ em vui chơi tại khu vực sông nước tiềm ẩn nguy hiểm.

Theo ông Vũ Huy Vượng, Trưởng Phòng Trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa), nguyên nhân các vụ trẻ em bị đuối nước một phần do nhận thức về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, của các gia đình còn nhiều hạn chế; nhất là sự thiếu quan tâm giám sát của các bậc cha mẹ đối với trẻ dưới 5 tuổi. Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em với những nguy cơ gây tai nạn như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và cắm biển báo nguy hiểm.

Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của nhiều người... đã để lại các hố, ao sâu, gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, nguyên nhân đuối nước còn do trẻ em chưa được dạy và học các kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước cũng như xử lý các tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.

Cũng theo ông Vũ Huy Vượng, để khắc phục tai nạn đuối nước trẻ em, cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, địa phương, cộng đồng, gia đình và bản thân trẻ em. Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em như: tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước, trong đó tập trung một số giải pháp như tăng cường công tác truyền thông tại cộng đồng, hướng dẫn, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, tăng cường giám sát trẻ trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ; tổ chức các lớp dạy bơi, các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em…

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo và có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn. Ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Khiếu Tư
.
.
.