Cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ đốt thực bì
Đốt thực bì để canh tác là nhu cầu chính đáng và là phương thức canh tác của người dân từ xưa tới nay. Tuy nhiên, những năm gần đây, tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng do người dân đốt thực bì thiếu giám sát.
Mới đây, khoảng 20h40 ngày 5/4, lực lượng chức năng huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) nhận được tin báo về việc xảy ra đám cháy lớn tại khu vực rừng tràm thuộc tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Ngay khi phát hiện vụ cháy, chính quyền thị trấn Lăng Cô phối hợp với lực lượng Công an, Đồn Biên phòng Lăng Cô, Kiểm lâm… đã khống chế vụ cháy. Sau gần 1 giờ tích cực chữa cháy, vụ cháy rừng được các lực lượng khống chế, khoanh vùng và dập tắt, không để cháy lan ra các khu vực rừng xung quanh. Vụ cháy gây thiệt hại hơn 1ha rừng tràm. Nguyên nhân cháy rừng được xác định là do ông N.M (SN 1980, trú tổ dân phố An Cư Tây, thị trấn Lăng Cô) đốt lớp thực bì khu vực rừng tràm được giao cho ông này quản lý, khai thác. Tuy nhiên, do bất cẩn nên lửa đã bùng phát mạnh sang khu vực xung quanh làm cháy hơn 1ha rừng tràm.
Trước đó, khoảng 13h30 ngày 2/4, tại tiểu khu 249 thuộc tổ dân phố Hói Dừa, thị trấn Lăng Cô, ông N.V.P (SN 1967) tự ý xử lý thực bì không xin phép đã gây ra cháy mất kiểm soát. Sau hơn 2 giờ lửa bùng phát, Hạt Kiểm lâm (HKL) Phú Lộc, chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân mới dập tắt được đám cháy. Hiện, cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ để xử lý các trường hợp trên theo quy định của pháp luật.
Theo hạt kiểm lâm của một số huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, trong đó hành vi đốt lửa xử lý thực bì tại các cánh rừng keo tràm là một trong những nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, khó kiểm soát xảy ra trong những năm gần đây. Hiện ngoài việc thường xuyên tuần tra, ngành kiểm lâm đang giám sát tình trạng đốt lửa xử lý thực bì thông qua hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh để sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để đám cháy lây lan diện rộng. Một kiểm lâm viên huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, vào mùa này, dưới tán rừng keo tràm trên cát phủ lớp thực bì khá dày đặc, có nguy cơ cháy rất cao nếu người dân chủ quan, không chấp hành quy định trong đốt thực bì.
Tại huyện miền núi Nam Đông, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng rất hiệu quả khi những cánh rừng bạt ngàn nơi đây dựa vào cộng đồng, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số ngày ngày chăm sóc, bảo vệ và giữ rừng. Hằng tuần, các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình ở các thôn, bản đều tổ chức họp bàn, triển khai tuần tra, giám sát rừng và PCCC rừng… Theo khuyến cáo của các kiểm lâm viên, để đảm bảo an toàn khi đốt thực bì, người dân cần phải theo dõi thời tiết trước khi chuẩn bị đốt thực bì. Tuyệt đối không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Trước khi đốt thực bì, phải quan sát các khu vực xung quanh rẫy để tính toán mức độ lây lan của ngọn lửa, độ dốc cao. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan, sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa…
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia và thông tin do Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC) cung cấp, trong năm 2024, hiện tượng El Nino sẽ khiến nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm; tình trạng nắng nóng, khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, nguy cơ xảy ra cháy rừng sẽ ở mức rất cao. Hiện nay, mới đầu hè nhưng nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có nơi nhiệt độ đã lên đến 39 độ C.
Để chủ động và năng cao hiệu quả trong công tác PCCC rừng và giảm thiểu tối đa số vụ và diện tích rừng thiệt hại do cháy rừng gây ra, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chi cục Kiểm lâm cũng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn quản lý hoạt động đốt xử lý thực bì trong mùa khô vào các thời điểm cụ thể trong ngày, nghiêm cấm đốt xử lý thực bì trong thời điểm nắng nóng, dự báo cấp cháy rừng từ cấp IV trở lên, chỉ được đốt thực bì khi kiểm soát được và đảm bảo đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy. UBND cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác PCCC rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng; kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, nội quy về điều kiện an toàn PCCCR đối với các khu rừng, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân sống trong rừng và ven rừng.
Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm cấp huyện bố trí lực lượng ứng trực 24/24 trong những ngày nắng nóng cao điểm tại các chòi canh, chốt bảo vệ rừng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nghiêm cấm các hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để lấy mật ong, phế liệu chiến tranh, đốt nương rẫy ở trong rừng và ven rừng trong thời gian nắng nóng cao điểm; kịp thời khống chế các đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (QLBVR-PCCCR), đầu tháng 4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác QLBVR-PCCCR; gắn trách nhiệm cán bộ kiểm lâm địa bàn, cán bộ thôn bản trong công tác quản lý và giám sát tại cơ sở. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR, các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ PCCCR. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ hiện đại trong công tác QLBVR-PCCCR. Theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng…