Căng mình phòng, chống cháy rừng ở vùng Bảy Núi

Thứ Năm, 28/03/2024, 06:08

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 13.277,2ha rừng phòng hộ và đặc dụng. Trong đó, khu vực trọng điểm cháy chiếm khoảng 5.655ha, với thời gian nguy cơ xuất hiện cháy rừng từ tháng 1 đến tháng 5 đối với khu vực rừng đồi núi; từ tháng 1 đến tháng 7 - 8 đối với rừng đồng bằng.

Tại những cánh rừng, do nắng nóng nhiều ngày qua, một số loại cây đã bị khô héo lá, cỏ dưới tán rừng chết khô làm cho lớp thực bì càng dày thêm, nguy cơ xảy ra cháy cao và khả năng lan nhanh ở diện rộng.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Tài - người có hơn 10 năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng ở khu vực núi Phú Cường (xã An Nông, thị xã Tịnh Biên), năm 2023 mùa mưa dừng sớm, cộng với thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài nhiều ngày qua, đã làm những cánh rừng ở trên núi khô héo, thực bì dày thêm. Từ sau Tết Nguyên đán đến giờ tình trạng nắng nóng tiếp tục tăng cao khiến nguy cơ cháy rừng càng cao. Ông Tài đã cùng cán bộ của Ban Quản lý rừng, Kiểm lâm, Xã đội, Công an… đến từng hộ dân, rồi thường xuyên đi tuần tra để nhắc nhở bà con nâng ý thức phòng, chống cháy rừng.

2.jpg -0
Đoàn công tác Công an tỉnh An Giang kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

Ghi nhận tại khu vực rừng núi thuộc TP Châu Đốc, huyện Tịnh Biên có rất nhiều chùa, miếu thờ len lỏi dọc theo các sườn núi. Thời điểm này đang vào mùa du lịch hành hương nên du khách cúng lễ thường đốt giấy vàng mã, nhang đèn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng rất cao. Ông Chau Si Na, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện: Tịnh Biên - Châu Đốc, cấp cảnh báo cháy rừng hiện nay là cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đơn vị đã và đang tiếp tục củng cố các lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ rừng nhằm chủ động phản ứng trong mọi tình huống, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng.

Thượng tá Nguyễn Tấn Lợi, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh An Giang cho biết, đơn vị đã thành lập đoàn công tác đến kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại một số điểm rừng trên địa bàn thị xã Tịnh Biên và TP Châu Đốc.

Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã xây dựng và triển khai 5 phương án bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.

Theo ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, các đơn vị trực thuộc đã xây dựng phương án tăng cường và ứng trực công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cũng như bố trí dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng tại gần 200 điểm. Đồng thời, thực hiện định vị, thống kê toàn bộ các hồ, đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy, chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều phương pháp để người dân hiểu, chấp hành tốt quy định phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt, đã phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm tra phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên ứng trực, cảnh giác cháy rừng ở mức cao nhất. Thực hiện ứng trực 100% lực lượng, nhằm đảm bảo hiệu quả cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết,  từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy. Dù các đám cháy bị dập tắt kịp thời, không để xảy ra cháy lan diện rộng làm ảnh hưởng đến diện tích rừng của địa phương, nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay các nguy cơ tiềm ẩn chủ yếu gây ra cháy rừng khu vực này rất cao. Chính vì vậy, ý thức của người dân trong phòng ngừa là một trong những yếu tố tiên quyết để đảm bảo công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả cao nhất.

Trần Lĩnh
.
.
.