Cẩn trọng với mỹ phẩm công nghệ “xô, chậu”

Thứ Sáu, 05/11/2021, 09:21

Vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ, tiêu huỷ số lượng lớn mỹ phẩm giả, nhập lậu, hàng trôi nổi trên thị trường.

Đáng báo động có những cơ sở sản xuất mỹ phẩm theo hình thức "thủ công", "xô, chậu" với hàng tấn nguyên liệu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đáng chú ý, vụ tiêu hủy lô nước hoa là hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá không có đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam xác nhận bị thu giữ từ tháng 6/2021 trị giá gần 8 tỷ đồng tại 91 Hàng Gà, Hà Nội ngày 2/11 là một trong bài học đắt giá cho giới trẻ khi kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm, dù online hay bán trực tiếp đều phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.

Liên tục bắt giữ

Theo ông Nguyễn Duy Bản - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, lô nước hoa được Đội phát hiện và xử lý từ ngày 24/6 với tổng số lượng trên 4.000 hộp, trị giá lô hàng gần 15 tỷ đồng. Sau khi có kết luận của các đơn vị chức năng, lực lượng QLTT Hà Nội đã tiến hành phân loại hàng hóa trước sự chứng kiến của chủ hàng.

Theo đó, số lượng hàng hóa sẽ phải thực hiện tiêu hủy do giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa không có chủ sở hữu đại diện tại Việt Nam xác nhận là trên 2.000 hộp, trị giá gần 8 tỷ đồng. Số lượng còn lại là hàng lậu, đã được đại diện hãng xác nhận là hàng chính hãng sẽ tiến hành phát mại bằng hình thức đấu giá để nộp ngân sách nhà nước. Dự kiến, lô hàng phát mại có giá trị khoảng 7 tỷ đồng.

Ông Vũ Minh Nam, chủ sở hữu lô hàng cho biết, sau sự vụ lần này, chúng tôi rút ra bài học sâu sắc cả về vấn đề kinh doanh, vấn đề pháp lý với những sản phẩm đưa ra trên thị trường. Nó là một bài học cho các bạn trẻ nhìn nhận lại vấn đề kinh doanh online hay trực tuyến đều phải tuân theo nguyên tắc của pháp luật. Chủ sở hữu hàng hóa đã thực hiện đầy đủ việc nộp phạt theo quy định và chi trả toàn bộ chi phí tiêu hủy đối với lô hàng vi phạm.

5-1623920463185551904021.jpeg -0
Các dụng cụ, hoá chất pha chế bày la liệt bên trong một cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Ảnh: CTV.

Trong khi đó, vào tối 30/6 đến 5h sáng 1/7, Đội QLTT số 9 phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội đã kiểm tra, bắt giữ kho hàng cực lớn các loại nước hoa, mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại kho hàng ngõ 76 An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội). Chủ kho hàng là Hoàng Quốc Phương (SN 1989), hộ khẩu thường trú tại số 10 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, Valentino, Louis Vuitton... Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của kho hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm sở hữu công nghiệp, hàng giả.

Theo ông Nguyễn Thế Sơn - Đội trưởng Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội), kho hàng được ngụy trang rất kỹ, thậm chí gắn camera theo dõi. Bên trong có hàng tấn nước hoa các loại được sản xuất theo quy trình công nghiệp. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm của cửa hàng và kho hàng hóa đều được giao dịch, mua bán trên các nền tảng thương mại điện tử đã gây không ít khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trước đó, ngày 16/6, Đội QLTT số 11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Oai) tiến hành kiếm tra một cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mỹ phẩm có dấu hiệu là hàng giả. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều công nhân đang tiến hành sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài.

Cũng tại cơ sở trên, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ nước ngoài..., song các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa lại được pha chế thủ công bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau và không rõ nguồn gốc, xuất xứ và được đựng trong các xô, chậu. Chủ cơ sở sản xuất chưa xuất trình được bất cứ chứng từ, hóa đơn liên quan đến các nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trên. Ước tính ban đầu giá trị hàng hóa tại cơ sở lên đến hàng tỷ đồng.

Tại Quảng Bình, ngày 19/6, lực lượng QLTT đã phối hợp với An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra, phát hiện gần 1 tấn chất kem sệt, hơn 80 chai dung dịch chứa chất lỏng và hơn 2.000 vỏ hộp các loại để làm các mặt hàng mỹ phẩm, trong đó có một số đã được đóng hộp thành phẩm kem dưỡng da,…

Tất cả số nguyên liệu trên đều không rõ nhãn mác, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lô hàng thuộc sở hữu của bà Hồ Phương Lan, trú tại khu phố 2, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng

Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2011 đến tháng 6/2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra 13.158 vụ, phát hiện xử lý 8.409 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 65 tỷ đồng, giá trị hàng hóa vi phạm trên 161 tỷ đồng. Lực lượng QLTT đã thực hiện 15 vụ thanh tra, phát hiện 2 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là trên 50 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là trên 34 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong năm 2021, lực lượng QLTT đã xử lý hàng loạt vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này.

Điển hình, giữa tháng 3/2021, Đội 1, Đội 2, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với thành viên Tổ công tác về thương mại điện tử, Tổng cục QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ ngõ 56 đường Cầu Vồng, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, do ông Trần Đức Trường làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông Trần Đức Trường đang chứa gần 50.000 sản phẩm dầu gội đầu, sáp vuốt tóc, keo xịt tóc, dưỡng tóc các loại dành cho nam giới và tem nhãn.

Ông Trần Đức Trường khai nhận, số hàng hóa tại hiện trường được ông mua trôi nổi không có tem nhãn thông qua mạng xã hội Facebook. Sau khi nhận hàng, cơ sở tiến hành dán tem và bán ra ngoài thị trường. Đặc biệt, cơ sở không bán tại cửa hàng theo hình thức thông thường mà thuê phòng trọ giá rẻ để bán hàng qua mạng.

cong-nghe-sa-n-xua-t-my-pha-m-xo-cha-u-va-n-hoa-nh-ha-nh.jpeg -0
Hiện trường cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng tại Thanh Oai, Hà Nội, bị phát hiện tháng 6/2021.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Chu Thị Thu Hương cho biết, lực lượng QLTT đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Trên thực tế, với sự phát triển mạnh mẽ từ thương mại điện tử, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này và niềm tin của người tiêu dùng, kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả, với giá rẻ hơn 1/3, thậm chí rẻ đến 2/3 giá trị thật của hàng chính hãng. Theo các chuyên gia, việc sử dụng nước hoa giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh tay hơn để xử lý những vi phạm này.

Đưa ra cảnh báo về tình trạng này, ông Võ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục QLTT Quảng Bình cho rằng, bên cạnh sự can thiệp, cảnh báo, xử phạt các hành vi phạm từ các cơ quan chức năng, để hạn chế tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, chỉ nên mua tại các cửa hàng có uy tín, đừng vì ham khuyến mãi, giá rẻ mà vô tình tiếp tay cho các đối tượng bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Đặc biệt, khi mua hàng trên trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, cần lựa chọn đối tượng bán hàng uy tín để bảo đảm hiệu quả, an toàn.

Lưu Hiệp
.
.
.