Cẩn trọng ngộ độc rượu trong những ngày Tết

Thứ Tư, 25/01/2023, 12:47

Ngày Tết, nhiều người, nhiều gia đình tổ chức ăn uống, gặp gỡ, vui xuân và chúc nhau chén rượu. Song, có nhiều người lại uống quá đà, say xỉn, không chỉ ngộ độc phải cấp cứu mà còn dẫn đến rối loạn hành vi và nhận thức, gây ra các hành vi gây rối hoặc tai nạn giao thông (TNGT).  

 Nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày

​Uống rượu bia ngày Tết hoặc bất kỳ thời điểm nào có thể gây tổn thương viêm loét dạ dày, xơ gan… Ngoài ra, uống rượu bia còn ảnh hưởng đến rối loạn hành vi và nhận thức, gây ra các hành vi gây rối hoặc tai nạn giao thông (TNGT).

Theo Bệnh viện Việt Đức, trong 4 ngày nghỉ Tết, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca TNGT vào nhập viện có nồng độ cồn trong máu cao.

Trong khi đó, tại nhiều cơ sở y tế tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào cấp cứu. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong những ngày Tết, nên hạn chế uống rượu bia, không nên quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày. Trong trường hợp phải uống rượu bia thì tốt nhất không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần.

Cẩn trọng ngộ độc rượu trong những ngày Tết -0
Mỗi ngày nam giới không nên sử dụng quá 2 đơn vị cồn, nữ giới chỉ 1 đơn vị.

Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml (bia tùy loại mà có chứa 1 - 12% cồn, thường ở vào khoảng 5%). Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường độ cồn cũng ở mức 0.05 - 1.2%). 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). 

TS Sơn cũng cho hay, rượu công nghiệp thường có hàm lượng methanol cao, có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, thậm chí tử vong.

 Để hạn chế mua phải rượu công nghiệp, không nên mua rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường. Mặc dù methanol hay ethanol khi ngộ độc lúc đầu đều biểu hiện giống nhau là hạ thân nhiệt, hạ huyết áp. Tuy nhiên, ngộ độc methanol quá trình diễn tiến nửa ngày sau hoặc 1 đến 2 ngày sau mới có biểu hiện.

"Nếu bệnh nhân thấy mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp, thậm chí hôn mê, có thể có nôn ọe thì lúc này đã là giai đoạn muộn khi bị ngộ độc. Do đó, nếu cảm thấy bất thường, mệt mỏi nhiều thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra ngay, không nên tự điều trị ở nhà", TS Sơn cho biết.

Uống rượu ngâm cả con vật nguy cơ nhiễm vi khuẩn và kí sinh trùng

Ngày Tết, nhiều người thường biếu nhau rượu ngâm. Vậy uống rượu ngâm động vật, rượu ngâm rễ củ, rượu ngâm nguyên cả lông con vật thực sự có tác dụng không?

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại: Ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại… khoảng 10%… Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

Cẩn trọng ngộ độc rượu trong những ngày Tết -0
Các loại rượu ngâm động vật, rễ cây mà bệnh nhân uống bị ngộ độc phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

TS Sơn cũng cho hay, trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nếu sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

TS Sơn cũng cho biết, trên thực tế, nhiều gia đình ngâm rượu bìm bịp còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và kí sinh trùng vào cơ thể.

“Khi ngâm rượu, các nguyên liệu cần được chế biến kỹ càng, hợp vệ sinh, loại bỏ các bộ phận như nội tạng, lông với các con vật như bìm bịp, tắc kè cần nướng chín trước khi ngâm rượu. Làm sạch không chỉ giúp an toàn vệ sinh mà còn giúp rượu ngâm có mùi thơm dễ chịu, không bị tanh, rút ngắn thời gian ngâm để dược liệu có thể sử dụng nhanh hơn”, TS Sơn khuyến cáo.

Trần Hằng
.
.
.