Can thiệp sớm để phòng trẻ trầm cảm khi bị bắt nạt tại học đường

Thứ Ba, 23/05/2023, 05:38

Bạo lực học đường là vấn đề nan giải hiện nay khi tình trạng này đang diễn ra ngày một nhiều, đỉnh điểm là một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên - Đại học Vinh (Nghệ An) tự sát sau nhiều ngày bị bắt nạt.

Mới đây nhất, ngày 20/5, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi Sở GD&ĐT và UBND huyện Ứng Hoà và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm (nếu có vi phạm) một nữ sinh lớp 8 bị đánh hội đồng, bạn can ngăn cũng bị đánh theo.

Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận những học sinh có ý tưởng tự sát, trầm cảm hoặc buồn chán, bi quan, giảm các hoạt động hàng ngày sau khi bị bạo lực học đường. Đâu đó một số nơi, các em bị bắt nạt, bị bạo lực, có phản hồi với bố mẹ, thầy cô nhưng không được tiếp nhận, chia sẻ, đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

tâm thần.jpg -0
Bác sĩ đang tư vấn cho 1 học sinh THCS điều trị ở Viện Sức khoẻ tâm thần.

Có ý tưởng tự sát sau khi bị bạn bắt nạt

Chiều 22/5, BS Đỗ Thuỳ Dung - Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nơi đây mới tiếp nhận nữ sinh B.T.D (14 tuổi, Bắc Ninh) vào viện tâm trạng buồn chán, có hành vi tự huỷ hoại bản thân và có ý định tự sát. Theo chia sẻ của nữ sinh, em là học sinh giỏi, trầm tính, ít nói và cũng ít bạn bè. Thỉnh thoảng em có mâu thuẫn với mẹ và cho rằng mẹ không hiểu, không quan tâm nên càng ít chia sẻ chuyện trên lớp với gia đình.

Khoảng 1 năm nay, nữ sinh có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp, các bạn hay nói mỉa mai, chê bai về ngoại hình, nói xấu nữ sinh kiêu chảnh và khinh người, hay nhìn đểu. Bạn nữ này thường hay đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt em ở ngay trong lớp học hoặc giờ ra chơi. Thỉnh thoảng khi tan học nhóm, bạn này có chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng cho em, có lúc bị đánh. Nữ sinh còn bị dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn nên em không dám báo cáo.

"Bệnh nhân đã có lần nói qua với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp (không nói cụ thể bị bắt nạt) nhưng mẹ bệnh nhân cho rằng là việc trẻ con, tuổi học trò nên bảo con tự giải quyết", BS Dung cho biết.

Tình trạng bắt nạt kéo dài khoảng gần 1 năm khiến nữ sinh luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút… Sau đó, nữ sinh nghỉ học thường xuyên, trở lên lầm lì và ít nói, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn, ít ra ngoài, mỗi khi đi học hoặc phải ra khỏi nhà thường đeo khẩu trang kín, mặc áo dài màu đen, đội mũ kín. "Khoảng 2 tuần trước khi vào viện bệnh nhân tự ý nghỉ hẳn học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, có suy nghĩ tiêu cực, bi quan, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay để làm đỡ căng thẳng", BS Dung cho biết thêm.

Thấy con sa sút, gặng hỏi nhưng con không chia sẻ, gia đình lo lắng nên đưa nữ sinh đi khám và được nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán, nữ sinh bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát và có hành vi tự hủy hoại. "Sau 21 ngày điều trị liệu pháp tâm lý và thuốc, bệnh nhân đã tích cực giao tiếp, hoạt động, tương tác, giảm ý tưởng tự sát, kiểm soát và giảm hành vị tự huỷ hoại", BS Dung nói. Hiện, bệnh nhân được xuất viện về nhà, tái khám tại phòng khám ngoại trú bệnh viện sau 2 tuần.

Theo BS Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần Nhi, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, trẻ em bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, nhưng đôi khi cha mẹ coi xô xát là chuyện bình thường của trẻ em nên không để tâm, không coi trọng. Hoặc khi học sinh phản ánh với thầy cô giáo nhưng thầy cô cũng coi đây là chuyện bình thường. Chính vì sự thờ ơ, không đánh giá thông tin khi tiếp nhận đã vô tình để các em không có chỗ chia sẻ, kêu cứu và gây ra hậu quả đáng tiếc.

Khi tìm hiểu về bạo lực học đường, một nữ sinh lớp 9 ở Hà Nội chia sẻ: "Người lớn hoặc cha mẹ cứ nghĩ bị bắt nạt đó là bình thường nhưng bạo lực học đường kinh khủng lắm. Cháu đã chứng kiến bạn gái trong lớp thường xuyên bắt nạt và kéo nhóm bạn ngoài trường đến đánh một số bạn gái trong lớp chỉ vì bạn này cho rằng nhìn đểu, nói xấu, hoặc "ngứa mắt". Bạn gái này luôn tỏ ra là "anh chị" và có nhóm bạn bên ngoài hậu thuẫn nên rất ngang ngược bắt nạt các bạn khác khiến ai cũng sợ. Sợ nhất là bị nói xấu, bêu xấu lên mạng, lên các nhóm chat, đây là bạo lực tinh thần khủng khiếp".

Thầy cô, cha mẹ thờ ơ khi tiếp nhận thông tin, hậu quả sẽ đáng tiếc

Bạo lực học đường đã trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ của nhiều trẻ em, nhiều em bị sang chấn tâm lý sau khi bị bắt nạt và nó đeo đẳng đến tận khi lớn lên. BS Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phòng Sức khoẻ tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên cho biết: "Khi thăm khám về sức khoẻ tâm thần cho trẻ em và thanh thiếu niên, chúng tôi luôn đánh giá yếu tố strees của hiện tại và trong quá khứ của người bệnh. Qua đó, có thấy bị bạo lực học đường trong những bệnh nhân này. Chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân bị bạo lực học đường từ lúc học cấp 2, hoặc cấp 3, nhưng giờ là sinh viên hoặc ra trường rồi".

Theo Viện Sức khoẻ Tâm thần, trung bình 1 tháng, Viện tiếp nhận 3-4 học sinh bị bắt nạt, bạo lực học đường đến khám, thường đông vào dịp hè hoặc đầu năm học. Có những trường hợp bị bạn bắt nạt ở trường, cũng có trường hợp bị bắt nạt qua mạng, lập nhóm trên mạng xã hội để "anti" bạn. Khi đến đây, bệnh nhân có biểu hiện buồn chán, bi quan, có hành vi làm giảm đi các hoạt động hàng ngày của học sinh như: ăn kém, cáu gắt với cha mẹ, học tập sa sút hoặc không có hứng thú học.

Lý giải vì sao nhiều học sinh bị bắt nạt, bị bạo lực học đường nhưng không nói với cha mẹ, thầy cô giáo. BS Yến cho biết, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, các em đang muốn chứng tỏ mình, muốn tự giải quyết bằng khả năng của mình. Khi bị bắt nạt, các em chưa muốn nói điều đó ra với thầy cô, cha mẹ, vì nghĩ rằng mình nói ra thì mình là người yếu đuối, không giải quyết được vấn đề. "Nhiều nghiên cứu nhận thấy các vấn đề ở thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho biết mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp, so với những người không bị bắt nạt. Hơn nữa, mức độ trầm cảm ở thanh thiếu niên từng bị bắt nạt trên mạng đã được chứng minh là có tương quan với mức độ và mức độ nghiêm trọng của bắt nạt trên mạng".

Các bác sĩ cũng đặc biệt cảnh báo đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ trong các vụ liên quan đến bạo lực học đường gần đây. "Nên nhớ trẻ em không bao giờ nói dối. Khi tiếp nhận thông tin con bị bắt nạt, người lớn phải đánh giá thông tin đó xem như thế nào, những biểu hiện kèm theo, nguyên nhân thực sự. Thầy cô giáo khi tiếp nhận thông tin từ học sinh, cần sự đánh giá và quan tâm, đặc biệt sử dụng mạng lưới của các học sinh trong lớp như lớp trưởng, tổ trưởng để tìm hiểu, đánh giá. Hãy tiếp cận thông tin bởi phải tin rằng các cháu không bao giờ nói dối. Bất cứ thông tin nào cũng có giá trị, chúng ta không thể thờ ơ trước thông tin của các con", BS Thiện nói.

Còn BS Yến thì nhấn mạnh: Khi tiếp nhận con bị đánh, cha mẹ, thầy cô cần có kỹ năng để phân biệt hành vi đó chỉ là xô xát hay bắt nạt, nếu hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần, giữa người to khoẻ hơn với người yếu thế hơn (không phải là đánh nhau theo kiểu ngang hàng) thì phải tìm hiểu kỹ hơn để biết con đang ở tình trạng nào mà có cách giải quyết phù hợp, ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra.

Trần Hằng
.
.
.