Cần tạo động lực cho người lao động
17/17 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia bỏ phiếu đồng thuận phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% tại phiên họp thứ hai ngày 12/4. Cùng với đó, 15/17 thành viên bỏ phiếu đồng ý với việc tăng từ ngày 1/7 tới đây.
Thông tin này có thể nói là niềm vui cho hàng chục triệu công nhân, người lao động đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, quay cuồng trong cơn “bão giá” hiện nay. Mức tăng dù không được như kỳ vọng nhưng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước, cũng như phía doanh nghiệp đã thấu hiểu, chia sẻ cùng người lao động. Bên cạnh đó, việc sớm điều chỉnh lương tối thiểu vùng sẽ tạo thêm nhiều động lực hơn cho hàng chục triệu công nhân, người lao động.
Hiện nay nếu doanh nghiệp trả lương thấp, chế độ phúc lợi không tốt thì rất khó để giữ chân và thu hút được lao động. Có không ít doanh nghiệp trả lương thực tế cao hơn mức lương tối thiểu vùng khoảng 30%, tuy vậy thực tế cũng có không ít doanh nghiệp chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn chút đỉnh với lương tối thiểu vùng. Đối với những lao động làm việc tại các công ty, nhà máy mà mức lương chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng, đa số nếu không tăng ca sẽ không thể sống được trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng đang tăng chóng mặt như hiện nay.
Theo chia sẻ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tại phiên họp lần hai ngày 12/4, đội ngũ công nhân, người lao động đang rất cần được chia sẻ sau một thời gian dài kiệt quệ vì dịch COVID-19 và bão giá. Sức chịu đựng của đa số người lao động đã đến ngưỡng.
Cả hai vợ chồng đều là lao động ngoại tỉnh, chị Nguyễn Thị Oanh (công nhân KCN Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) cho hay, chị là công nhân may, chồng làm công nhân cơ khí, nếu không có tăng ca, tổng thu nhập của hai vợ chồng xấp xỉ 12 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền gửi về quê để ông bà nội chăm hai con nhỏ đi học, nếu không có tăng ca sẽ không đủ tiêu.
“Lương công nhân hiện nay quá thấp, trong khi cuộc sống có hàng trăm thứ phải lo toan nên rất áp lực. Hai năm qua, ảnh hưởng dịch bệnh, thu nhập giảm sút nên đã khó càng thêm khó. Gửi con ở quê nhiều lúc nhớ con nhưng cũng đành dằn lòng, vì về quê nhiều lại phát sinh chi phí. Chính vì thế tăng lương là điều chúng tôi rất mong muốn”, chị Oanh chia sẻ.
“Giật gấu vá vai” là tình trạng chung của đa số công nhân lao động hiện nay. Gần 10 năm làm việc tại một công ty nhựa, vợ làm việc tại một công ty may (ở Phú Thụy, Gia Lâm, Hà Nội). Cưới nhau đã được 5 năm và đã có con đầu lòng, nhưng vợ chồng anh Hoàng Quốc Mạnh vẫn chưa dám sinh bé thứ hai. Lý do đơn giản chỉ là thu nhập quá thấp, sợ không lo được cho gia đình.
“Vật giá leo thang mà đồng lương thì vẫn "giậm chân tại chỗ". Gần 1 năm nay công ty ít tăng ca. Thu nhập giảm sút. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng, vật giá cũng leo thang khiến đời sống công nhân ngày càng chật vật. Chúng tôi rất vui vì lương tối thiểu sẽ tăng 6% trong thời gian tới. Tuy vậy mong muốn của công nhân chúng tôi là cần phải xem xét điều chỉnh tiếp trong năm tới bởi mức tăng này vẫn chưa đủ đề bù trượt giá”, anh Mạnh mong muốn.
Theo đại diện Tổng LĐLĐVN, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Từ đó các doanh nghiệp cũng duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Trong khi đó, dịch COVID-19 kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình họ. Một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
"Chúng ta chia sẻ với khó khăn của nhiều doanh nghiệp, nhưng chúng ta không thể không quan tâm đến một bộ phận người lao động đang rất khốn khó. Chúng ta phải nhìn hình ảnh người lao động xếp hàng từ sáng sớm để chờ rút bảo hiểm xã hội một lần là điều rất đáng để chúng ta suy nghĩ", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trăn trở.
Theo đại diện lãnh đạo của Tổng LĐLĐVN, có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022. Thứ nhất, theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Cùng với đó căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển. Đặc biệt quý I/2022 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ. Trong khi đó người lao động thì vẫn hết sức khó khăn.
"Thời điểm này tăng lương vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết.