Cần sớm dẹp bỏ “chợ cóc” tiềm ẩn lây lan dịch bệnh

Thứ Ba, 12/10/2021, 10:02

Đến thời điểm hiện tại, các chợ truyền thống tại TP Đà Nẵng đã hoạt động trở lại để phục vụ người dân, cùng những quy định phòng, chống dịch COVID-19 chặt chẽ. Tuy nhiên, trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng có rất nhiều chợ tự phát (chợ cóc) mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Tại một số tuyến đường của các quận huyện ở TP Đà Nẵng, sau khi dịch bệnh được cơ bản khống chế, nhiều người dân kê hàng ra vỉa hè để bán thực phẩm. Khi được lực lượng chức năng đến nhắc nhở thì họ dẹp đi, nhưng khi lực lượng chức năng rút đi thì họ lại bày ra bán. Bà H. (tiểu thương tại chợ Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) phân trần, bất đắc dĩ lắm mới phải dọn hàng ra bán.

Thời gian qua do dịch bệnh khó khăn thêm vào đó quy định mua sắm tại chợ nghiêm ngặt nên khiến cho sức mua giảm. Vì vậy, bà đem hàng bán vỉa hè người ta tạt vào mua sẽ tốt hơn. Nhu cầu của người bán và sự tiện lợi của người mua đã khiến chợ cóc mọc lên khắp nơi và hoạt động khá sôi động... tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn phòng dịch, mất mỹ quan đô thị.

cho.jpg -0
Nhiều chợ tự phát (chợ cóc) mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Ông Đặng Ngọc Vinh, Trưởng ban quản lý chợ quận Hải Châu cho hay, chợ Mới và chợ Nguyễn Tri Phương đã đi vào hoạt động từ ngày 25/9, nâng dần quy mô từ 30% ngành hàng thiết yếu lên 50% tổng số lượng tiểu thương kinh doanh toàn chợ. Tuy nhiên, từ khi hoạt động lại đến nay, cả 2 chợ đều rơi vào tình trạng vắng khách.

Một phần nguyên nhân là do để phòng, chống dịch, TP Đà Nẵng hạn chế người dân đi chợ bằng quy định cấp thẻ theo ngày; thế nhưng ở ngoài thì chợ cóc người mua, kẻ bán “vô tư”. Còn ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà, cho rằng, các hộ buôn bán phía bên ngoài chợ không thuộc thẩm quyền xử lý của Ban quản lý chợ mà thuộc trách nhiệm của địa phương. Để giải quyết tình trạng ế ẩm cho tiểu thương cũng như hạn chế nguy cơ lây lan dịch từ chợ cóc, tổ quản lý chợ và địa phương phải phối hợp, thường xuyên tuần tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các hộ vi phạm.

“Tôi nghĩ nên nâng tần suất đi chợ của người dân từ 3 ngày/lần lên 1-2 ngày/lần tùy theo tình hình dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân vào trong chợ mua sắm, từng bước đưa các chợ truyền thống hoạt động ổn định trong trạng thái bình thường mới”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Đình Mâng, Trưởng ban quản lý chợ quận Ngũ Hành Sơn cũng cho rằng, để kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán tự phát bên ngoài chợ, ngoài tổ quản lý chợ, lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị, UBND các phường nơi có chợ cần tăng cường lực lượng phát hiện và xử lý triệt để nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch; đồng thời thiết lập lại ANTT, ATGT trên địa bàn.

Theo ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng, Sở Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương nơi có chợ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giữ gìn ANTT, cấm tụ tập buôn bán bên ngoài các chợ, xử lý nghiêm các vi phạm. Mặt khác, Ban quản lý, tổ quản lý các chợ phải có sự phối hợp với lực lượng địa phương trong công tác tuần tra, nhắc nhở, tuyên truyền đến người dân đi chợ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho hay, đối với chợ đầu mối Hòa Cường, một chợ lớn phân phối hàng hóa nông sản, rau củ quả đến các chợ khác của TP Đà Nẵng, lãnh đạo quận đã yêu cầu Ban quản lý chợ quản lý việc sang hàng, không để tình trạng bán lẻ qua hàng rào giữa nhà xe với các tiểu thương tự phát.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an quận và phường lập 2 chốt cứng và mềm nhằm quản lý 4 trục đường xung quanh chợ.  Thời gian tới quận sẽ có các biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng các hộ dân tập trung buôn bán ngoài khuôn viên chợ…

Việt Thành
.
.
.