Chuyện biệt động thành Nha Trang chấn động một thời

“Căn cứ lõm” - trường Âu Cơ một thời đánh Mỹ (Kỳ 1)

Thứ Bảy, 27/04/2024, 06:13

Chuỵện xảy ra đã gần 60 năm nhưng bây giờ được nghe kể lại, vẫn thấy nóng hổi. Các chiến sĩ biệt động thành Nha Trang: Võ Đình Thu, Bùi Chạn, Huỳnh Văn Khoa giờ đã trên dưới tám mươi. Một ngày đầu Xuân Giáp Thìn, tôi và các ông đã gặp Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh.

Tại nhà riêng của Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh ở đường Trường Sa, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hòa, chúng tôi có cuộc hội ngộ lý thú. Tất cả đều đã quen biết nhau. Ông Khoa, ông Thu, ông Chạn tha thiết đề nghị tướng Sanh: Có cách gì đó đề nghị đến các cấp thẩm quyền TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hoà tái hiện lại một trận đánh tiêu biểu nào đó của biệt động thành Nha Trang trong những năm đánh Mỹ để ghi dấu ấn lực lượng này. Trong tôi bỗng lóe lên một niềm khát khao về việc xây dựng hình ảnh một TP Nha Trang sau một trăm năm hình thành và phát triển (1924 - 2024).

image001.jpg -0
Ông Bùi Chạn - chiến sĩ biệt động thành Nha Trang, người tham gia trận đánh tại trạm xe buýt đường Hai Chùa - Độc Lập.

Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 - 1975, trang 206 ghi rõ: Tháng 10/1967, Thị ủy Nha Trang tăng cường đồng chí Võ Quyết Thắng và Võ Đình Thu cùng một số cán bộ Thị ủy, thị đội  vào hoạt động nội thị. Với sự tăng cường đó, nội thị Nha Trang đã có một Chi bộ gồm ba đồng chí: Hoài Phong (Huỳnh Văn Khoa), Võ Quyết Thắng và Lê Thị Ngọc Mai, cùng ba đoàn viên thanh niên khác. Như vậy lực lượng hoạt động nội thị đã có sự tăng cường về số lượng và chất lượng.

Ông Võ Đình Thu kể lại: Ngày đầu về Nha Trang ông được bố trí vào làm việc tại một lò bánh mỳ ở đường Đồng Nai. Chị vợ của chủ lò bánh mỳ là cơ sở của ta, anh chồng không hay biết điều đó. Hàng tháng ông trả tiền thuê nhà và lãnh tiền công trước mặt 2 vợ chồng. Sau một thời gian, được ông Hoài Phong và ông Bùi Chạn, Đội trưởng Đội biệt động, dẫn tới giới thiệu với người cai trường cấp 2 Âu Cơ (nay là THCS). Đó là bác Nguyễn Ngọc Lương, một cơ sở tin cậy của ta.

Ông Thu nhớ lại: “Xem xét địa hình thấy trường có sân rộng, dễ quan sát. Ban ngày nhiều học sinh, nhưng ban đêm lại vắng, phía ngoài cổng đã có bác Lương, sau lưng trường là nhà của gia đình bác và xóm người lao động. Phía đường Lạc Long Quân, số nhà 12 là cơ sở cách mạng của ta. Tất cả tạo cho khu trường trở thành một địa điểm mà chúng tôi cho là “căn cứ lõm”.

Quả thực suốt năm 1967, trường Âu Cơ là một địa chỉ an toàn tuyệt đối cho hoạt động của đội biệt động TX.Nha Trang. La phông nhà vệ sinh được biến thành nơi cất giấu tài liệu và vũ khí. Các phòng học về ban đêm chiến sĩ biệt động sử dụng khi thì họp Chi bộ, họp Đội bàn bạc kế hoạch tác chiến và cả huấn luyện chế tạo, sử dụng các loại vũ khí, bom mìn. Có cuộc họp đông tới 20-30 người mà kẻ địch không hề biết. Đôi trai gái biệt động thành Hoài Phong - Lê Thị Ngọc Mai cũng nảy nở tình yêu từ đó. Bất ngờ hơn, Trường Âu Cơ còn là điểm xuất phát của không ít trận đánh do lực lượng biệt động thành tổ chức, làm kẻ địch kinh hồn bạt vía.

Ông Hoài Phong, Võ Đình Thu kể khá nhiều trận đánh của Biệt động thành mà điểm xuất quân bắt đầu từ “căn cứ lõm” Trường Âu Cơ. Một trong những trận đánh khá tiêu biểu là trận phục kích sĩ quan, quân nhân kỹ thuật Mỹ và các nước chư hầu tại trạm xe buýt đường Hai Chùa - Độc Lập ở Phương Sài.

Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang giai đoạn 1925 – 1975, trang 207 mô tả: Đầu tháng 11/1967 Tổ tự vệ (thực chất là biệt động) của TX. Nha Trang đánh một trận tại Trạm xe buýt ngã tư đường Độc Lập - Hai Chùa, diệt và làm bị thương 72 tên. Theo “Hồi ức một thời”, trang 108 của ông Hoài Phong, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2008 thì trận đánh do ông Bùi Chạn và bà Lê Thị Chắc thực hiện.

image003.jpg -1
Trường Âu Cơ hiện nay.

Ông Bùi Chạn kể lại: Hồi đó ông đang là một thanh niên và bà Lê Thị Chắc, đang là một cô gái từ Huế mới vào Nha Trang tham gia lực lượng biệt động. Hai anh chị được giao nhiệm vụ đóng giả cặp tình nhân để thực hiện trận đánh. Sau hơn một tháng nghiên cứu, thấy qui luật hoạt động của đám sĩ quan và nhân viên kỹ thuật người Mỹ và các nước chư hầu cứ chiều chiều lên xe buýt từ Bình Tân đến xem hát ở rạp Tân Tân và ăn chơi ở Khách sạn Lầu Bảy đường Độc Lập, đến đêm xe buýt lại chở họ về Bình Tân, cặp “tình nhân” Bùi Chạn - Lê Thị Chắc đã chuẩn bị mìn hẹn giờ và chọn địa điểm để thực hiện nhiệm vụ.

Thuốc nổ, kíp nổ và dây cháy chậm thì mua của ngư dân đánh cá ở Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên. Chế tạo thành mìn thì được thực hiện ở “căn cứ lõm” trường Âu Cơ. Địa điểm đặt mìn là hè phố góc ngã tư đường Độc ập – Hai Chùa, nơi xe buýt dừng để cho quân địch lên xuống. Do “bến xe buýt” đậu trước cửa một viện uốn tóc, nên khá trống trải nhưng lại thường xuyên có người. Đã nhiều lần quan sát nhưng anh Chạn và chị Chắc vẫn chưa chọn được thời điểm thực hiện trận đánh.

Mãi một ngày đầu tháng 11/1967, sau gần một tháng chuẩn bị, nhân cơ hội viện uốn tóc mua về một xe sạn xây dựng khoảng một m3 để sửa chữa gì đó, nhưng lại đổ bên hè đường. Lợi dụng đống sạn này, anh Chạn, chị Chắc đã khéo léo đặt mìn hẹn giờ dưới đống sạn. Khi chiếc xe buýt dừng bên đường cho quân địch lên thì mìn nổ. Cả đống đá được hất lên xe, chiếc xe bốc cháy. Bọn địch đứa chết, đứa bị thương kêu la inh ỏi. Sáng hôm sau, thông tin từ nội bộ quân địch cho biết có 72 tên chết và bị thương.

Lịch sử Đảng bộ TP Nha Trang đánh giá: “Đây là trận đánh lớn đáng ghi nhận của tự vệ (thực chất là biệt động vì lực lượng biệt động đã được thành lập từ năm 1966) TX.Nha Trang”.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân
.
.
.