Cảm động chuyện con gái tiếp bước mẹ chăm sóc Nghĩa trang Liệt sĩ
Đó là chị Phạm Thị Hồng Phượng (37 tuổi), trú xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Suốt 13 năm qua, chị Phượng tiếp bước mẹ mình là cựu Thanh niên xung phong Trần Thị Nguyệt, chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Điều đáng trân trọng, không chỉ chị với đồng tiền lương ít ỏi hàng tháng, mà mẹ chị nghỉ hưu đến nay đã hơn 10 năm, vẫn tiếp tục tình nguyện gắn bó, cùng con sớm chiều chăm sóc khuôn viên, phần mộ cho hàng nghìn liệt sĩ.
Trên hành trình thiên lý Bắc – Nam, ngang qua thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh về bên tay trái, Nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh lớn thứ 3 sau 2 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9, nằm dưới những hàng cây cổ thụ dim mát, yên ắng và đẹp như tranh vẽ. Tầm 9h sáng, nhất là những ngày qua, người tứ xứ tề tựu về đây thăm viếng nghĩa trang, thắp hương cho liệt sĩ, bắt đầu đông đúc.
Đang chuyện trò với vợ chồng trẻ, quê xã Châu Nhân (xã cũ là Hưng Nhân), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào thắp hương cho bác ruột là liệt sĩ Phạm Đức Dần, hy sinh năm 1971 tại Bến đò B Tùng Luật, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh), tôi thấy một nam thanh niên cắt cỏ, dọn dẹp ở nghĩa trang, thân mình ướt đẫm mồ hôi đang đi tới nên tiện thể hỏi về công việc hàng ngày của anh. Thế nhưng anh thanh niên này từ chối với lý do mới chỉ vào đây làm việc, đồng thời giới thiệu cho tôi mẹ con bà Trần Thị Nguyệt và chị Phạm Thị Phượng là những người làm lâu năm, rất tâm huyết với công việc này.
Tôi chợt nhớ ra, cách đây 15 năm, vào 2008, tại nghĩa trang này, tôi đã từng gặp bà Nguyệt cùng người con gái thứ hai của bà là Phạm Thị Hồng Phượng, lúc đó đang cùng mẹ làm cỏ ở đây. Anh thanh niên cho tôi biết, chị Phượng rất bận đón, giúp đỡ và hướng dẫn khách mua các lễ vật để cúng anh linh liệt sĩ.
Sau ngồi đợi một hồi thì có tiếng xe máy chạy vào khuôn viên của nghĩa trang, anh thanh niên lúc nãy bỗng quay lại bảo tôi, là chị Phượng đang chở bánh kẹo, hương đèn đến cho khách làm lễ ở Đài chính và đặt thắp hương trên các phần mộ. Tại Đài chính, đôi tay chị trông thoăn thoắt nhưng rất nhẹ nhàng và cẩn thận với các lễ vật đặt ra bàn, từng thứ một rất gọn gàng và đẹp mắt. Gần 15 năm trôi qua nhưng trông chị không thay đổi mấy, vẫn với thân hình mảnh mai và khuôn mặt rất dễ thương.
Tôi hỏi chị Phượng, sao sau khi tốt nghiệp Trung cấp Văn thư lưu trữ, chị không tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn, mà chọn làm công nhân ở Nghĩa trang Liệt sĩ?! Chị cười hiền, nói rằng, thời gian đầu ra trường, tranh thủ thời gian chưa tìm được việc, giúp mẹ làm cỏ, quét dọn và thắp hương cho liệt sĩ hằng ngày ở đây, rồi “nghiện” việc luôn lúc nào không hay. Nên sau đó chị không còn ý định cũng như hứng thú tìm kiếm một công việc khác.
Năm 2010, bà Nguyệt nghỉ hưu theo chế độ nhưng từ đó đến nay, chỉ ngoại trừ những lúc ốm đau, hay thăm con, cháu ở xa, thời gian còn lại ngày hai buổi bà đều có mặt ở nghĩa trang để cùng với con gái chăm sóc chu đáo cho từng phần mộ, Đài thờ cúng liệt sĩ và toàn bộ khuôn viên nghĩa trang này. Điều đáng trân trọng, công việc của bà Nguyệt là hoàn toàn tình nguyện, không nhận bất kỳ khoản trợ cấp, thù lao nào.
Lại nói về chị Phượng và những người đến đây thăm viếng phần mộ, tưởng nhớ anh linh người thân, hay hương khói tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chỉ qua những lời hỏi han, hướng dẫn, hay câu chuyện thăm hỏi về nhau, đã cảm giác như rất gần gũi và đầy sự ấm áp. Đặc biệt, trước rất nhiều tấm lòng của thân nhân liệt sĩ và du khách muốn gửi tặng cho mẹ con chị những món quà nhỏ để được cảm ơn sự tận tình, chăm sóc chu đáo của họ đối với các liệt sĩ, song hai mẹ con chị lúc nào cũng vậy, cương quyết từ chối nhận quà.
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh nguyên là khu vực xây dựng Đài Anh hùng với 7 tấm bia đá đặc biệt, ghi chiến công oanh liệt của 7 anh hùng, liệt sĩ chống Pháp tiêu biểu thuộc 6 tỉnh, thành phố đã hy sinh trên chiến trường miền Nam, do Bác Hồ chỉ đạo xây dựng vào năm 1958. Đến nay, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh có gần 6.000 anh hùng liệt sĩ của 41 tỉnh, thành phố cả nước đang yên nghỉ. Đặc biệt, 7 tấm bia kể trên vẫn còn dẫu không còn nguyên vẹn, song vẫn trang nghiêm và sừng sững ở hai bên Đài thờ liệt sĩ.
Cũng như tất cả nghĩa trang liệt sĩ khác trên cả nước, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh từ lâu đã trở thành nơi gìn giữ, sưởi ấm không chỉ anh linh liệt sĩ, mà bao ân tình của những người mẹ, người cha, người vợ có chồng, con hy sinh đang yên nghỉ nơi đây. Và, cứ mỗi lần nhớ về nghĩa trang liệt sĩ này, là họ đều nhớ đến mẹ con chị Phượng, những người đã luôn để lại trong họ những tình cảm ấm áp, như được sẻ chia, vơi bớt một phần của sự mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra.