Cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Thứ Hai, 27/05/2024, 17:48

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hà Nội khuyến cáo một số giải pháp đảm bảo an toàn và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ đối với loại hình nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, đặc điểm thực tế của dạng nhà ở gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh là đa phần chỉ có 1 thang bộ trong nhà để thoát nạn. Tầng 1 thường là nơi tồn chứa hàng hoá hoặc các chất dễ cháy nổ. Các tầng trên thường không có ban công mà thường tận dụng tối đa diện tích cơi nới để sử dụng. Các nhà thường làm chuồng cọp để đảm bảo an ninh.

Để đảm bảo an toàn trong PCCC&CNCH, tại các gia đình, cần trang bị phương tiện PCCC. Mỗi tầng có 1 đến 2 bình chữa cháy; dụng cụ phá dỡ, xô nước, chăn chiên và mặt nạ phòng độc để nơi quy định.

Cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh -0
Ảnh minh hoạ.

Tại các lối ra thang bộ hoặc lối ra khẩn cấp cần lắp đặt đèn chỉ dẫn thoát nạn và đèn chiếu sáng sự cố theo quy định. Lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà phải tuân theo quy định về PCCC, không được che hết mặt ban công hoặc lô gia.

Trang bị hệ thống cảnh báo cháy sớm cho các phòng để khi có cháy sẽ phát ra tiếng kêu và đưa tín hiệu về điện thoại cho gia chủ biết.

Việc trang bị các phương tiện PCCC sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn; xây dựng phương án thoát nạn và chia sẻ với mọi thành viên trong gia đình hiểu rõ

Khi có cháy, nổ xảy ra, cần nhanh chóng thoát ra thang bộ hoặc lối thoát khẩn cấp để ra ngoài. Khi cháy tại tầng 1 cần thoát ngay qua cửa chính hoặc cửa phụ, cửa ngách (nếu có).

Cửa ra ngoài tại tầng 1 nên dùng cửa bản lề mở theo chiều lối thoát, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn. Trường hợp dùng cửa cuốn thì nên có thêm cửa ngách, cần có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Quy định nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra cháy, nổ.

Khi cháy tại tầng 2 trở lên: Cần chạy vào thang bộ, nếu thang bộ bị nhiễm khói thì tìm lối thoát khẩn cấp ra ban công, lô gia, cửa sổ hoặc lối sang nhà kế bên.

Nếu lô gia, ban công có lắp lồng sắt, cần có cửa thoát nạn và thang sắt bên ngoài hoặc trang bị ống tụt, thang dây, dây hạ chậm lắp vào thành ban công, lô gia đảm bảo chắc chắn (nếu cửa ở lồng sắt có khóa thì cần để chìa khóa nơi quy định).

Khi cháy ở tầng 4 hoặc 5 liền kề tầng mái, nếu thang bộ bị nhiễm khói, không thể chạy xuống, đồng thời không ra được ban công, lô gia thì cần chạy lên mái. Tại tầng mái phải có cửa ra, trường hợp cửa ra có khóa thì phải để chìa khóa nơi dễ thấy và có dụng cụ để cắt, phá khóa khi có cháy, sau đó từ mái thoát sang nhà bên. Nếu nhà không có lối lên mái theo thang bộ thì phải làm thang leo, có các bậc thang gắn vào tường nhà và thoát qua cửa nắp.

Trên đường di chuyển phải hô hoán, báo cháy cho mọi người biết. Dùng khăn ướt hoặc mặt nạ phòng độc che kín miệng, mũi để hạn chế ngạt khói khí độc.

Trên đường di chuyển có nhiều khói, hãy hạ thấp người để di chuyển, tránh hít phải khói khí độc, lần sát theo tường để đến cửa thoát nạn, ra ngoài.

Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng, khăn, vải ướt trùm lên người.

Đặc biệt, khi xảy ra cháy phải ngắt điện khu vực cháy, đồng thời ngay lập tức gọi điện báo cháy theo số “114” và sử dụng các phương tiện chữa cháy để dập tắt đám cháy.

T.V
.
.
.